Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Lạng Sơn: Hiệu quả đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao đời sống người dân

Thiên An - 05:17, 24/11/2023

Một trong dấu ấn nổi bật làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn là sự cải thiện đáng kể về hạ tầng giao thông. Ngoài những công trình, tuyến đường quan trọng, còn có rất nhiều công trình giao thông đến vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư...; Để có kết quả này, là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, trong việc tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình MTQG; nguồn vốn huy động từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị, người dân đồng lòng để thực hiện.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (ngoài cùng bên trái) thăm vườn na tại huyện Chi Lăng.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (ngoài cùng bên trái) thăm vườn na tại huyện Chi Lăng.

Củng cố hạ tầng giao thông kết nối vùng khó

Một trong những dấu ấn nổi bật nhất ở Lạng Sơn, là việc huy động các nguồn lực nhằm cải thiện hạ tầng giao thông vận tải. Các tuyến đường quan trọng đã được mở rộng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và người dân. Điều này không chỉ kết nối các khu vực nông thôn với các thị trấn và thành phố lớn, mà còn tạo ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế và thương mại.

Theo thống kê, giai đoạn 2018 – 2023, từ nguồn vốn ODA, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư 10 công trình hạ tầng giao thông khu vực vùng sâu, đặc biệt khó khăn, với tổng chiều dài hơn 121 km trên địa bàn các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng và Hữu Lũng.

Điển hình như, Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ giai đoạn 2018 – 2023 có 6 tuyến đường với tổng chiều dài 59,37 km đầu tư tại các huyện: Văn Quan, Văn Lãng, Hữu Lũng, Bình Gia, Tràng Định và Lộc Bình. Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn – Tiểu dự án Lạng Sơn, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện giai đoạn 2018 – 2023, có 4 công trình hạ tầng giao thông, với tổng chiều dài 62,5 km tại các huyện Bình Gia, Văn Quan và Đình Lập.

Đến nay, các công trình đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng trong liên kết vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất; đời sống của người dân tại các khu vực có dự án đi qua được cải thiện đáng kể.

Thôn Ngàn Chả, thuộc xã Bính Xá, huyện Đình Lập là thôn vùng sâu đặc biệt khó khăn của xã Bính Xá, trước đây, bà con trong thôn mỗi khi có việc phải ra xã, thường đi từ 50 phút đến 1 tiếng để vượt qua quãng đường khoảng 8 km. Nhưng giờ đây, từ địa bàn thôn Ngàn Chả, bà con đi xe máy chỉ mất khoảng 15 phút là tới UBND xã Bính Xá trên quốc lộ 31 và chỉ mất khoảng 20 phút đi xe máy, là ra tới quốc lộ 4B địa bàn xã Đình Lập.

Ông Triệu Văn Lý, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Chả cho biết: Thôn có 19 hộ đều là bà con đồng bào dân tộc Dao, dù đất đai rộng nhưng vì giao thông không thuận nên việc sản xuất của bà con rất khó khăn. Đến năm 2021, nhà nước triển khai xây dựng mở mới tuyến đường Khau Bân-Còn Quan-Nà Lừa chiều dài gần 20 km kết nối quốc lộ 4B với quốc lộ 31 đi qua địa bàn hai xã Đình Lập và Bính Xá, bà con rất phấn khởi bởi cái khó về đường giao thông đã được tháo gỡ. Đời sống của bà con đang dần khởi sắc, bởi có đường giao thông thuận lợi sẽ là điều kiện cho bà con phát triển trồng rừng, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.

Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Để huy động nguồn vốn ODA cho các công trình giao thông tại khu vực vùng sâu, đặc biệt khó khăn, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng danh mục để kêu gọi vốn, chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án và quản lý sử dụng vốn theo đúng mục tiêu đề ra.

 Bên cạnh đó, Sở và các đơn vị chủ đầu tư còn chủ động làm việc với các huyện được thụ hưởng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Nhờ vậy, khi các dự án được triển khai đều cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra. Các công trình sử dụng vốn ODA, đã góp phần nâng tỷ lệ cứng hoá đường đến trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 8/2023 đạt 96,6%.

Nâng cao năng lực cho nông dân

Là tỉnh miền núi, biên giới với nền kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Lạng Sơn đã được địa phương triển khai hiệu quả. Qua đó, nông dân không chỉ được cung cấp kiến thức mới nhất về phương pháp canh tác hiện đại, mà còn nhận được sự hỗ trợ về giống cây, phân bón và các nguồn lực khác. 

Điều này, đã giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó tăng cường thu nhập cho nông dân. Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở địa phương được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Lạng Sơn đã được triển khai hiệu quả
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Lạng Sơn đã được triển khai hiệu quả

Ông Phạm Đức Huân, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 60%, trong đó tỷ lệ LĐNT tham gia các khóa đào tạo chiếm trên 80%. Đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu thực tiễn của Lạng Sơn, bởi vậy, nội dung đào tạo chủ yếu là dạy thực hành (chiếm tối thiểu 80% thời gian học). 

Các nghề được lựa chọn xây dựng mô hình và nhân rộng như: Trồng nấm ăn, trồng rừng kinh tế, kỹ thuật trồng và chăm sóc quả na, khoai tây, chăn nuôi gà, lợn, thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng rau an toàn, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng, tin học ứng dụng…

Hiện, bình quân mỗi xã của tỉnh Lạng Sơn đã đạt 12,92 tiêu chí trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới.Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai tại tỉnh Lạng Sơn, đến nay đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, 

"Để thực hiện thành công, hiệu quả các chương trình MTQG, các dự án chính sách dân tộc, Lạng Sơn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có sự huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; lãnh đạo chỉ đạo phải đi đôi với giám sát, gắn trách nhiệm với nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tự giác, tính tự lực, chủ động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân", ông Phạm Đức Huân, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.