Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Làng trống bên dòng sông Thu

Minh Ngọc – Bảo Anh - 16:59, 28/09/2024

Từ hàng trăm năm qua, nghề làm trống ở làng Lâm Yên đã tạo nên thương hiệu cho tiếng trống của làng. Nơi làng trống này đã có nhiều đời truyền nghề cho thế hệ sau, để những mùa hội lại rộn ràng tiếng trống như nhắc nhở con cháu luôn hướng về cội nguồn dân tộc, về văn hóa của cha ông.

Nghệ nhân làng trống Lâm Yên đnag hoàn thiện 1 chiếc trống
Nghệ nhân làng trống Lâm Yên đnag hoàn thiện 1 chiếc trống

Nhịp điệu cha ông

Thoang thoảng từ đầu làng đến cuối làng, mùi gỗ mít vương vấn trên từng ngọn lá, xen lẫn với đó là tiếng cưa xẻ, tiếng máy móc mài gỗ và cả tiếng trống vang lên từng nhịp như nhịp thở của làng trống hơn 200 năm tuổi này. Một điều độc đáo có lẽ không nơi nào có, đó là nghề làm trống ở làng Lâm Yên (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cũng là nghề gia truyền qua nhiều thế hệ. Dòng họ Phan đã khai sinh ra nghề trống từ hơn 200 năm trước. Ông tổ nghề là Phan Công Thiên, quê gốc ở Hải Dương. Trong cuộc “Trịnh – Nguyễn phân tranh”, ông cùng gia đình đã “Nam tiến”, chọn Lâm Yên làm nơi dừng chân và mưu sinh bằng nghề này. Điều đặc biệt là các hộ theo nghề trống hầu hết đều mang họ Phan. Có nhiều gia đình 6 -7 thế hệ đều theo nghề làm trống.

Ông Phan Thiệp làm trống lớn theo đơn đặt hàng.
Ông Phan Thiệp làm trống lớn theo đơn đặt hàng.

Đến làng nghề làm trống vào một ngày nắng oi ả, chúng tôi thấy có nhiều người vẫn hăng say làm việc. Người phơi da, người căng trống, người làm đai, người tiện gỗ... để chuẩn bị cho ra lò những chiếc trống cung ứng cho thị trường. Ở làng trống này có những người đã 75 tuổi như ông Phan Văn Hai vẫn tham gia làm trống. Đôi tay ông vẫn cứng cáp, đôi mắt tinh tường và đôi tai thẩm âm vẫn nghe rõ từng loại trống. Mấy mươi năm làm trống, nhiều người như ông Hai đã trở thành lão làng nắm giữ nhiều bí quyết làm trống của làng nghề. Sinh ra đã nghe tiếng gõ, tiếng đục, tiếng thùng thình của trống. Thế hệ này truyền cho thế hệ khác, cứ thế nối nhau. Trẻ con trong làng 10 tuổi đã biết các công đoạn làm trống, lớn thêm vài ba tuổi nữa là biết làm chiếc trống con, rồi mười tám đôi mươi đã bắt đầu làm chiếc trống đại. Người làng trống Lâm Yên có bí quyết riêng để tạo ra những chiếc trống bền, đẹp, có tiếng vang. Họ truyền nhau “bí kíp” từ thế hệ này sang thế hệ khác để duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Những chiếc trống dăm luông với kích thước lớn được chế tác tại làng Lâm Yên.
Những chiếc trống dăm luông với kích thước lớn được chế tác tại làng Lâm Yên.

Ông Phan Văn Hai cho biết, để làm 1 chiếc trống, nếu có sẵn nguyên liệu thì mất khoảng 3 đến 5 ngày, ngược lại nế có khi mất đến cả tháng trời. Để có được những chiếc trống bền đẹp, thợ làm trống phải trải qua nhiều công đoạn. Người làm trống phải có kinh nghiệm dày dặn, biết cách chọn nguyên liệu từ da trâu, gỗ… đến cảm âm của trống. Đặc biệt là khâu xử lý da trâu và bịt miệng trống là công đoạn quan trọng, quyết định đến chất lượng chiếc trống. Người thợ phải khéo tay, tỉ mẩn để kéo căng đều miếng da trâu vừa dai vừa dày, bịt kín 2 đầu miệng trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt làm từ tre già. Đây là bước điều chỉnh âm thanh cao thấp nên chỉ có những người “rành” nghề mới có thể xử lý được bài bản, đạt chuẩn.

Anh Phan Văn Hiệp là truyền nhân đời thứ 6 của làng trống ở Lâm Yên.
Anh Phan Văn Hiệp là truyền nhân đời thứ 6 của làng trống ở Lâm Yên.

Thợ làng nghề Lâm Yên có thể làm được nhiều loại trống khác nhau như trống đội, trống đại, trống dùng trong đình, chùa, trống múa lân sư rồng, trống hội… với kích thước trống khá đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng. Một điều đặc biệt của kỹ thuật làm trống ở Lâm Yên, đó là ngoài loại trống tang ghép, thì còn một loại trống với tang trống được làm từ gỗ nguyên khối.

Ông Phan Thiệp (65 tuổi) cho biết, trống với tang làm từ gỗ nguyên khối gọi là trống dăm luông. Để làm nên một chiếc trống dăm luông thì phải có khối gỗ tốt, người thợ phải dùng nhiều ngày để đục rỗng ruột, rồi phơi vài tháng tùy kích thước. Sau đó mới đến công đoạn trang trí tinh xảo, bịt da trâu, hiệu chỉnh âm thanh. Trống dăm luông thường có kích thước lớn nên nhiều người gọi vui là trống khổng lồ. Giá trị của loại trống dăm luông này khá cao bởi công chế tác vô cùng tinh xảo, cùng với đó là những thân cây gỗ nguyên khối được nhập khẩu từ nước ngoài về với giá đắt đỏ. Tùy theo kích thước mà có giá từ vài triệu, vài chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Anh Phan Văn Hiệp kiểm tra tấm da trâu bịt trống
Anh Phan Văn Hiệp kiểm tra tấm da trâu bịt trống

Ở làng trống Lâm Yên, anh Phan Văn Hiệp (truyền nhân đời thứ 6 của nghề làm) từng chế tác một chiếc trống dăm luông với giá gần 700 triệu đồng. Cùng với đó, có những chiếc trống đặc biệt kèm chân đế nặng tới 5 tấn với đường kính 1,8m, chiều dài 2,1m được đặt hàng. Hay chiếc trống đặt hàng có đường kính 1,2m, chiều dài 1,9m người thợ phải làm vài tháng mới hoàn thành.

Chênh vênh sức sống làng nghề

Từ xa xưa, tiếng trống đã trở thành âm thanh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Từ tiếng trống trường, trống hội, đến tiếng trống trong các trò chơi dân gian, trong dàn nhạc truyền thống… Nghề làm trống đã gắn bó với người dân Lâm Yên hơn 200 năm, dù trải qua nhiều khó khăn, nơi đây vẫn giữ nghề như một nét văn hóa truyền thống. Để phát triển làng nghề, năm 2012 chính quyền địa phương đã hỗ trợ thành lập HTX làng nghề truyền thống trống Lâm Yên, hỗ trợ làng nghề kinh phí, kỹ thuật, đưa sản phẩm đưa đi trưng bày, triển lãm tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước.

Sản phẩm trống Lâm Yên
Sản phẩm trống Lâm Yên

Ông Phan Văn Hiệp, Chủ nhiệm HTX làng nghề truyền thống trống Lâm Yên cho biết, trong một năm, người làm trống Lâm Yên bận rộn nhất là thời gian từ tháng 7 đến tháng Giêng Âm lịch. Vào các dịp Rằm tháng 7, khai giảng năm học mới, Tết Nguyên đán, hay những lễ hội đầu xuân, nhu cầu mua trống tăng lên. Dịp rằm tháng 7 thì các dòng họ mua để phục vụ tế tổ, tháng 9 thì các trường học đặt trống trước mùa tựu trường, dịp đầu năm thì các địa phương mua phục vụ các lễ hội.

Tuy nhiên, so với những năm xưa, số hộ duy trì nghề làm trống ngày một giảm. Trước đây, làng Lâm Yên có hơn 30 hộ làm trống, mỗi năm Lâm Yên cung ứng ra thị trường gần 2.000 trống các loại thì nay chỉ còn khoảng 6 - 7 hộ theo nghề. Do hạn chế về nguyên vật liệu, nhân lực làm nghề nên các loại trống nhỏ không còn được chú trọng sản xuất, thay vào đó là những đơn đặt hàng các loại trống lớn từ khắp nơi hoặc nhờ sửa chữa lại những trống bị hư mặt trống, thân trống.

Một chiếc trống lớn đã được đánh dầu vecni bóng loáng
Một chiếc trống lớn đã được đánh dầu vecni bóng loáng

Hiện nay, nguy cơ mai một, thất truyền nghề trống Lâm Yên đang hiện hữu khi người dân chưa thể sống được với nghề. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì, níu giữ làng nghề để các thế hệ sau tiếp bước và phát huy. Trong đó, cần chú trọng hỗ trợ, tìm thị trường đầu ra cho các cơ sở làm trống; có giải pháp khuyến khích người trẻ học và duy trì nghề trống Lâm Yên. Như vậy mới có thể góp phần giúp làng nghề trống tiếp tục tồn tại, giữ lại nét văn hóa truyền thống lâu đời của thương hiệu trống nổi tiếng bậc nhất xứ Quảng.