Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Vũ Mừng - 18:18, 07/09/2024

Trống bỏi từng là món đồ chơi Trung thu không thể thiếu trong ký ức của biết bao trẻ em miền Bắc… Thế nhưng, ngày hôm nay trên chính “quê hương” của món đồ chơi giản dị ấy, tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) chỉ duy nhất ông Nguyễn Đức Hưởng còn tiếp nối và duy trì nghề làm trống.

Làng Báo Đáp nổi tiếng khắp đất nước với nghề sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống; trong đó là đèn ông sao và trống bỏi. Nhiều người dân nơi đây vẫn luôn tự hào một thời nhờ những chiếc trống, đèn ông sao mà dân làng Báo Đáp qua được những năm tháng khó khăn.

Tại làng Báo Đáp gia đình ông Nguyễn Đức Hưởng là hộ duy nhất còn giữ nghề làm trống bỏi.
Tại làng Báo Đáp gia đình ông Nguyễn Đức Hưởng là hộ duy nhất còn giữ nghề làm trống bỏi

Qua bao thăng trầm, nghề làm đèn ông sao vẫn tiếp tục phát triển. Thế nhưng, đối với nghề làm trống bỏi, cả làng Báo Đáp chỉ còn ông Nguyễn Đức Hưởng và gia đình vẫn giữ nghề. Ông Hưởng được cha dạy nghề từ năm lên 7 tuổi, tới nay ông đã có hơn 50 năm gắn bó với những chiếc trống.

Ông Hưởng chia sẻ, trống bỏi có kết cấu khá đơn giản, gồm các bộ phận: Cán, tang, mặt, khung, tay trống… Trước kia, cán trống làm bằng tre, đầu cán gắn 2 miếng nhôm đan nhau tạo thành 4 bánh răng gạt tay trống. Dây buộc tay trống là dây gai hoặc chỉ. Tang trống làm bằng ống nứa rỗng, bịt kín bằng miếng giấy. Khoảng 20 năm nay, vật liệu sử dụng làm trống bỏi ở Báo Đáp có sự thay đổi. Tang trống được làm bằng đất sét.

Tang trống sau khi phơi khô được đem bọc lại bằng các loại giấy màu. Để dán giấy, người thợ làng Báo Đáp sử dụng hồ dán nấu bằng bột gạo nếp. Gạo được ngâm với nước mưa trong 3 - 4 tiếng, sau đó đãi sạch, giã mịn thành bột, cho nước vừa đủ và đun nhỏ lửa… tạo thành chất hồ sền sệt, để nguội rồi sử dụng. Sau khi bọc xong tang trống là đến khâu bọc mặt trống.

Trống bỏi từng là món đồ chơi Trung thu quen thuộc với trẻ em miền Bắc.
Trống bỏi từng là món đồ chơi Trung thu quen thuộc với trẻ em miền Bắc

Mặt trống bao gồm hai lớp, giấy bìa với độ dày vừa phải nằm bên dưới, giấy trắng được nhuộm vàng và bên trên in hình ông sao năm cánh màu đỏ bằng dấu gỗ thủ công. Để tiếng trống phát ra đanh, vang rõ, có hồn, người thợ phải dán mặt trống thật kín; nếu mặt trống có khe hở sẽ nhanh bị rách và chỉ phát ra tiếng “bộp bộp”.

Khi quay, trống bỏi tạo ra tiếng quay “tạch tạch” đanh gọn, vui tai. Ông Hưởng bồi hồi: “Quay liền mạch như tiếng ve mùa hạ, quay chậm lại như tiếng chão chuộc đêm mưa bờ rậm, rãnh khoai, ao muống”.

Nghe vợ chồng ông Hưởng kể chuyện, quan sát công việc ông bà đang làm, tôi cảm nhận công việc làm trống bỏi không quá nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo, tỷ mẩn. Ở khía cạnh xã hội, công việc này giúp những người cao tuổi như vợ chồng ông Hưởng vẫn có việc làm phù hợp ngay tại nhà, có thu nhập. Ở khía cạnh văn hóa, công việc của họ đang góp phần gìn giữ, duy trì một nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian, rất thuần Việt, làm ra những đồ chơi lành mạnh cho trẻ em ngày nay.

Ông Hưởng luôn hy vọng trống bỏi sẽ được hồi sinh, được gìn giữ và sẽ luôn là món đồ chơi thân thuộc của trẻ em mỗi dịp trăng rằm.
Ông Hưởng luôn hy vọng trống bỏi sẽ được hồi sinh, được gìn giữ và sẽ luôn là món đồ chơi thân thuộc của trẻ em mỗi dịp trăng rằm

Tuy nhiên, cả làng Báo Đáp hiện chỉ còn duy nhất vợ chồng ông Hưởng theo đuổi công việc này. Các con ông hiện cũng không theo nghề của cha mẹ, như hầu hết các hộ khác trong làng, họ hiện tập trung cho việc sản xuất hoa nhựa, hoa giấy với thu nhập cao hơn.

Với mong muốn duy trì nghề làm trống bỏi, ông Nguyễn Đức Hưởng và vợ là bà Nguyễn Thị Nhị, đã nhận dạy miễn phí hàng chục người ở khắp các địa phương tới học cách chế tác. Những người tới học đều được ông chỉ bảo tận tình, giúp đỡ cả về nguyên liệu để học và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm. 

Tuy nhiên, theo ông Hưởng, đa phần những người tới học vì tò mò muốn tìm hiểu về trống bỏi, chứ chưa ai xác định theo nghề, bởi đây là nghề “lấy công làm lãi”, giá bán buôn chỉ 5.000 đồng/chiếc, trừ chi phí tính ra chỉ lãi vài trăm đồng/chiếc nên nhiều người không muốn theo đuổi nghề này.

Nhiều năm gần đây, khi các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm và phát huy trở lại, thì mặt hàng đồ chơi Trung thu được làm thủ công cũng tìm thấy được vị thế vốn có của mình. Điều này khiến cho ông Hưởng luôn hy vọng, trống bỏi sẽ được hồi sinh, được gìn giữ và sẽ luôn là món đồ chơi thân thuộc của trẻ em mỗi dịp trăng rằm.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.