Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Làng và nghề

Thiên Đức - 10:36, 09/12/2019

Hiện nay, cả nước có 5.400 làng nghề, tạo việc làm cho 11 triệu lao động tại chỗ, chiếm khoảng 30% lực lượng lao động ở nông thôn và miền núi. Như vậy, có thể nói, thời gian qua làng nghề có sự phát triển rất tích cực.

Người dân đối diện ô nhiễm từ các làng nghề
Người dân đối diện ô nhiễm từ các làng nghề

Thế nhưng đó chỉ ở góc độ “nghề”, còn ở góc độ “làng” hiện nay có rất nhiều bất cập. Đó là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, vấn đề văn hóa lối sống…

Chỉ nói riêng tại Thủ đô Hà Nội với hơn 40 làng nghề đang hoạt động, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên trầm trọng, nhiều nơi ở mức “báo động đỏ”. Ví dụ như làng nghề rèn Đa Sỹ, Hà Đông, người dân khổ sở vì ô nhiễm tiếng ồn. Theo đó, làng nghề này chỉ có diện tích khoảng 30ha nhưng lại có đến gần 900 lò rèn, nên mức độ ô nhiễm tiếng ồn càng trầm trọng.

Một kết quả khảo sát mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra trên toàn quốc có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên và có đến 27% số làng nghề bị ô nhiễm dạng vừa.

Cùng với vấn đề ô nhiễm môi trường, các hệ lụy khác như an ninh trật tự cũng là một điều đáng lo ngại. Trong nhịp sống hiện đại, việc chuyển cư của lao động từ vùng này sang vùng kia là một vấn đề tất yếu. Kéo theo đó là những ẩn họa của tình trạng tệ nạn xã hội, an ninh trật tự…

Thêm một vấn đề đáng quan tâm là văn hóa lối sống của các làng nghề hiện nay bị biến đổi. Quan hệ tốt đẹp của dòng họ, cộng đồng bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực.

Thiết nghĩ, đối với làng nghề thì thành tố “làng” luôn được xếp trước để nhắc nhở chúng ta rằng, cần phải ổn định các yếu tố của làng từ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trước rồi mới tính đến yếu tố “nghề”, là các vấn đề kinh tế.