Một góc Miếu thờ ông Nam Hải ở Hoàng Sa, tức Lăng Vạn An Vĩnh (Quảng Ngãi)Trong số đó, Lăng Vạn An Vĩnh là một công trình đặc biệt, nơi người dân thờ cá Ông (hay còn gọi là ông Nam Hải) – vị thần thiêng liêng trong đời sống tâm linh của ngư dân miền Trung. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, ông Nam Hải được người dân đưa về thờ từ thời cha ông xưa thực hiện lệnh vua ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền biển đảo. Trải qua bao đời, tục thờ cá Ông vẫn được gìn giữ. Hằng năm, vào ngày 12 tháng 3 âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng ông Nam Hải để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, tàu thuyền ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Mâm cỗ dâng cúng có thể linh hoạt theo điều kiện từng năm, nhưng tấm lòng thì luôn son sắt. Trước mỗi chuyến biển, ngư dân đều đến Lăng cầu khấn thần Nam Hải phù hộ cho thuyền đi về bình an, đánh bắt trúng mùa. Với họ, ông Nam Hải không chỉ là vị thần biển mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc giữa mênh mông sóng gió.
Phụ nữ làng An Vĩnh đến thắp hương cầu nguyện tại Lăng Vạn An VĩnhLàng An Vĩnh còn truyền nhau nhiều câu chuyện kỳ bí về sự linh thiêng của thần Nam Hải. Năm 1967, cá mập xuất hiện nhiều gần bờ trước Lăng, hai anh em Trần Niên và Trần Hưng mang lưới ra vây bắt. Không may, ông Niên bị cá mập cắn vào bắp chân. Trong khoảnh khắc nguy hiểm ấy, ông Hưng kịp cứu anh mình lên bờ. Người làng tin rằng chính thần Nam Hải đã phù hộ để ông Niên thoát nạn.
Một câu chuyện khác được bà Lan, một phụ nữ làm nghề rỗi, kể lại. Trong một chuyến biển, thuyền bà bị hỏng máy, trôi lênh đênh nhiều ngày. Giữa biển cả mênh mông, bà cảm nhận có những con cá voi - biểu tượng của thần Nam Hải – bơi quanh thuyền như đang bảo vệ những người trên tàu. Cuối cùng, bà và các bạn chài may mắn được thuyền khác cứu sống. Với bà, đó là trải nghiệm không thể quên trong đời.
Ông Phạm Ngọc Trưng, Trưởng bổn vạn làng An Vĩnh làm hướng dẫn viên du lịch cho du khách khi đến tham quan Lăng Vạn An VĩnhCon cháu ông S. ở thôn An Vĩnh đến nay vẫn nhắc chuyện cha ông họ ngày xưa đi biển bị hỏng máy, trôi dạt hơn 10 ngày trên biển rồi được cứu. Họ tin rằng nhờ thần Nam Hải che chở nên mới giữ được tính mạng. Những câu chuyện như thế được truyền miệng từ đời này sang đời khác, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cư dân làng chài.
Trong lễ cúng ông Nam Hải năm nay, ông Phạm Ngọc Trưng, Trưởng bổn vạn làng An Vĩnh, tất bật ngược xuôi: nào đi vận động các chủ tàu quyên góp kinh phí, nào cùng bà con sửa đường, nấu nướng, bày biện lễ. Mấy đứa trẻ trong làng thấy ông bận rộn mà vui vẻ, cứ đùa gọi ông là “hướng dẫn viên du lịch già nhất nước” vì hay đưa khách tới tham quan Lăng và kể chuyện xưa. Ông Trưng chỉ cười, nói rằng Miếu Hoàng Sa – tức Lăng Vạn An Vĩnh – rất thiêng. Trong những năm chiến tranh, nhiều lần pháo địch bắn trúng miếu nhưng bức tường vẫn sừng sững trước biển. Gần đây, sau khi Báo Dân tộc và Phát triển đăng tải thông tin về Lăng, ông nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ khắp nơi, trong đó có cả bà con Việt kiều từ Mỹ gọi về hỏi thăm.
Hai ngư dân già theo dõi bài viết về làng An Vĩnh trên Báo Dân tộc và Phát triển điện tử
Vách đá Lăng Vạn An Vĩnh do người dân tự làm, đã tồn tại hàng trăm năm năm nay
Tàu thuyền làng chài An VĩnhĐược sự ủng hộ của bà con làng chài và các chủ tàu, tổng số tiền quyên góp cho lễ cúng ông Nam Hải năm nay lên tới gần 40 triệu đồng. Trong đó, một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã gửi về 2 triệu đồng để góp phần cùng làng tổ chức lễ. “Vui vô cùng!” – ông Trưng chia sẻ. Bởi hơn tất cả, đó là minh chứng cho lòng tin, cho sự gắn kết cộng đồng, và cho niềm tự hào của người dân An Vĩnh về tín ngưỡng thờ cá Ông – một phần hồn cốt biển cả Hoàng Sa.