Ông Long chia sẻ với các bạn trẻ về những giá trị văn hóa xung quanh bộ chiêng do mình sưu tầm đượcMột ngày trung tuần tháng 3, trong chuyến công tác tại huyện vùng cao Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi ghé thăm ông Đặng Quang Long ở tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng. Trong căn nhà của mình, ông dành phần lớn diện tích để trưng bày nhiều bộ cồng chiêng và các vật dụng gắn liền với sinh hoạt thường ngày của đồng bào DTTS như cối đá, nồi đồng, gùi, một số nhạc cụ dân tộc truyền thống của đồng bào DTTS.
Ông Long cho biết: “Bộ sưu tập của tôi hiện có khoảng 30 bộ cồng chiêng các loại, với hơn 100 cái. Để có được bộ sưu tập này, tôi đã cất công sưu tầm trong hơn 7 năm qua, từ những bản làng ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương vùng Tây Nguyên”.
Theo ông Long, cái khó trong việc sưu tầm là ít khi kiếm một lần mà đủ cả bộ. Một bộ chiêng thường có ba cái, gồm chinh cha, chinh mẹ và chinh con. Vì thế, nếu thiếu một cái sẽ không trọn bộ nên phải dò la để tìm mua những cái còn lại.
“Như lần lên Gia Lai, hỏi mua thì chỉ còn có chinh mẹ và chinh cha, tôi phải hỏi họ trước đây có cho hay tặng ai không. Khi được họ giới thiệu qua người cháu ở làng khác, tôi đến năn nỉ họ để lại cho nguyên vẹn. Họ cũng vui vẻ để lại cho mình”, ông Long kể.
Ông Long nói rằng, trước đây cồng chiêng là một trong những điều rất thiêng liêng đối với đồng bào, có thể phải mất cả gia tài mới sở hữu được một bộ hoàn chỉnh. Những bộ chiêng bằng đồng, được làm thủ công rất tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Muốn sở hữu được bộ cồng chiêng, có khi phải đổi một con trâu to.
Ông Đặng Quang Long giới thiệu về bộ chiêng trong bộ sưu tập của mình
Cồng, chiêng và văn hóa của người dân miền núi rất độc đáo, có sức cuốn hút kỳ lạ, nếu không gìn giữ mà cứ để mất dần đi thì thật đáng tiếc. Dù không khá giả gì, nhưng với tình yêu dành cho văn hoá và những thanh âm đại ngàn, tôi thấy mình cần phải làm gì đó để góp chút công sức giữ lại cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau”.
Đặng Quang Long Nhà sưu tầm văn hóa
Khi được hỏi về cái duyên đến với việc sưu tầm nhạc cụ dân tộc, ông Long cho biết, trước đây, ông hay xem một số buổi biểu diễn về cồng chiêng của đồng bào, tiếng cồng chiêng bay bổng trầm hùng, văng vẳng, có lúc róc rách như tiếng suối chảy trong rừng già. Nhiều lần được thưởng thức vũ điệu cồng chiêng bên men rượu cần say đắm, nên tôi rất thích. Sau này, khi thấy nhiều người bán những bộ chiêng quý giá cho những người thu mua phế liệu, tôi thấy rất xót nên mong muốn sưu tầm để giữ lại.
Ngoài cồng, chiêng của đồng bào Hrê, ông Long còn đang sở hữu cho mình nhiều bộ chiêng của người Cơ Ho, Xơ Đăng. Theo ông Long, chiêng của người Cơ Ho thường có sáu cái thành một bộ, kích thước khác nhau, gọi là Chiang Me, Rđơm, Dờn, Thoòng, Thơ và Thê. Cũng có một số địa phương ở Tây Nguyên sử dụng tám chiêng trong các lễ cúng, hoặc diễn xướng.
Trong suốt thời gian tìm kiếm và sưu tầm, ông Long đã có cho mình bộ sưu tập với hơn 60 nồi đồng các loại. Đối với ông, những chiếc nồi đồng này có chiếc có niên đại hàng chục năm, rất quý giá. Cũng như cồng, chiêng, nồi đồng cũng gắn liền với văn hóa của nhiều cộng đồng DTTS, nên rất quý. Họ thường sử dụng để nấu bánh vào các dịp lễ, Tết, lễ cưới hỏi… Nồi đồng có độ dày từ 3 - 5cm, trên thân có in các hoa văn đẹp.
Điều đặc biệt, dù bỏ ra số tiền lớn, tốn nhiều thời gian, tuy nhiên việc sưu tập của ông Long không nhằm mục đích kinh doanh theo kiểu mua đi bán lại để kiếm lợi nhuận. Ông mong muốn, việc sưu tập của mình một phần nào đó lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của từng hiện vật.