Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lào Cai: Bảo tồn văn hóa trong trường học

Trọng Bảo - 10:47, 25/12/2020

Trong bối cảnh hiện nay, khi các giá trị văn hóa đang bị mai một dần theo thời gian, thì tại không ít trường học vùng cao của tỉnh Lào Cai, các thầy cô giáo đã khéo léo lồng ghép các giá trị văn vào các tiết học, hướng tới bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc của đồng bào các dân dân tộc trên địa bàn.

Các buổi học ngoại khóa không chỉ tạo niềm vui cho các em học sinh khi ở trường mà còn góp phần nâng cao ý thức gìn giữ và bảo tồn văn hóa đặc sắc của các dân tộc
Các buổi học ngoại khóa không chỉ tạo niềm vui cho các em học sinh khi ở trường mà còn góp phần nâng cao ý thức gìn giữ và bảo tồn văn hóa đặc sắc của các dân tộc

Buổi hoạt động ngoại khóa của Trường THCS Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương với chủ đề “Gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Mông” đã thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Tham dự chương trình này, các em học sinh được hòa mình trong những lời hát, những điệu nhạc và xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống với niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

“Em cảm thấy rất vui vì qua buổi học này, em được hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Em sẽ cố gắng giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, em Sùng Thanh Mai chia sẻ.

Bên cạnh việc học múa, học hát, các em học sinh ở đây còn được tìm hiểu và học đánh đàn nhị-một nhạc cụ truyền thống của người Mông trong tiết học thực tế. Các em cũng được những nghệ nhân giải thích, hướng dẫn để hiểu hơn về âm nhạc, về văn hóa truyền thống của người Mông bản địa.

Xây dựng mô hình trường học văn hóa gắn với bản sắc dân tộc, Trường THCS Tả Ngài Chồ nói riêng và nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, đã đưa những nội dung như: Học thêu thổ cẩm, sưu tầm trưng bày văn hóa, học múa dân gian vào tiết học ngoại khóa. Việc giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc còn được lồng ghép vào trong chương trình học chính khóa của nhiều trường, giúp các giờ dạy học linh hoạt và hấp dẫn hơn, tạo được hứng thú cho các em học sinh.

“Năm học này, chúng tôi mời được các nghệ nhân đến để dạy cho các em vào mỗi buổi chiều với các nội dung như, dạy múa khèn, dạy kéo nhị, múa sinh tiền, qua đó giúp các em thêm yêu trường, mến lớp. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được cấp ủy chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh tiếp tục ủng hộ và đồng hành với nhà trường”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Ngài Chồ cho biết.

Học thêu thổ cẩm, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông
Các em học sinh học thêu thổ cẩm, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông

Dựa trên quan điểm “Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, trong những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh thực hiện các mô hình gắn với đặc thù vùng miền, nhằm đưa học sinh đến gần với thực tiễn đời sống hơn. Cũng từ đây, mô hình trường học văn hóa gắn với cộng đồng đã ra đời, tạo ra hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường, góp phần gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. 

Nhờ có mô hình này, tỷ lệ chuyên cần ở các trường vùng cao luôn đạt trên 95%, đặc biệt là giáo dục cho các em biết quý trọng và phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Lào Cai là tỉnh miền núi với trên 20 dân tộc cùng sinh sống, việc đưa di sản văn hóa vào trường học, vừa tạo cho các cháu học sinh niềm vui, hứng thú khi tới trường, vừa giáo dục cho các cháu nâng cao ý thức gìn giữ nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình" , ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai khẳng định.