Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Lào Cai: Chuyển đổi số phục vụ "đắc lực" cho phát triển kinh tế-xã hội

Trọng Bảo - 15:23, 25/11/2022

Là tỉnh vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tỉnh Lào Cai khai trương Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp vào tháng 10/2022 vừa qua
Tỉnh Lào Cai khai trương Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp vào tháng 10/2022 vừa qua

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội. 

Tỉnh Lào Cai đã hợp tác với các tập đoàn viễn thông như Viettel, VNPT để đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông vươn tới vùng sâu, vùng xa; phục vụ các nhiệm vụ chính trị, mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh và hưởng thụ cho người dân. Cụ thể, đến nay toàn tỉnh có 2967 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), trong đó có 1212 trạm 4G và 05 trạm 5G. 

Hạ tầng viễn thông với độ bao phủ rộng, chất lượng cao, phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, trên 95% thôn, tổ dân phố; cung cấp dịch vụ internet đến 60% thôn, tổ dân phố; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 51,4%; số hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 53,3%. Lào Cai là địa phương thứ 18 trên cả nước, triển khai phủ sóng 5G góp phần thúc đẩy kích cầu du lịch, phục hồi kinh tế du lịch và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên địa bàn.

Hiện nay, tại Lào Cai, cả hệ thống chính trị đang tập trung triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) với quyết tâm bảo đảm hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế. 

Tại huyện vùng cao Mường Khương, huyện đã thành lập 16 tổ công tác hỗ trợ cho 16 xã, thị trấn triển khai các Chương trình MTQG. Cùng với đó, Tổ chuyên gia do đồng chí Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện làm Tổ trưởng, phối hợp chặt chẽ với các tổ công tác, các xã, thị trấn để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các hạng mục từ thôn, bản. Giúp UBND các xã, thị trấn xây dựng, niêm yết quy trình, thủ tục quản lý đầu tư và nhiệm vụ của chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc 03 Chương trình MTQG.

Ông Hưng đang tư vấn, hỗ trợ thủ tục triển khai CT MTQG trực tuyến cho các xã qua mạng zalo
Ông Hưng đang tư vấn, hỗ trợ thủ tục triển khai Chương trình MTQG trực tuyến cho các xã qua mạng Zalo

“Bên cạnh việc xuống cơ sở hỗ trợ trực tiếp về thủ tục theo quy định, hàng ngày bản thân tôi cũng như các thành viên trong Tổ tư vấn đều có thể hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc cho anh em dưới xã trong quá trình triển khai Chương trình MTQG, thông qua nhóm zalo được thiết lập riêng (có quy chế bảo mật riêng). Như vậy, vừa tiết kiệm thời gian, công sức trong điều kiện nhân lực thì có hạn, công việc thì nhiều, đường xá đi lại khó khăn. Nếu như không có mạng di động, hạ tầng viễn thông tốt thì chúng tôi không thể làm được việc này”, ông Nguyễn Hồng Hưng, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch Mường Khương cho biết.

Cùng với đó, việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được chú trọng; xây dựng chính quyền số, như: Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Lào Cai đang duy trì 01 Cổng chính (Cổng TTĐT tỉnh) và 102 cổng thành viên của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã… Lào Cai là một trong số ít tỉnh của cả nước đã kết nối được hệ thống truyền hình trực tuyến triển khai Nghị quyết từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện, xã.

Trung tâm dữ liệu của tỉnh cơ bản được đầu tư hiện đại, đồng bộ, bảo đảm việc triển khai, vận hành các ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt, cổng dịch vụ công của tỉnh (iGate) đáp ứng thực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã tích hợp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thanh toán phí, lệ phí, thuế thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định.

Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%; tỷ lệ báo cáo định kỳ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh đáp ứng yêu cầu thực hiện trực tuyến có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ đạt 100% (yêu cầu cấp Quốc gia và của tỉnh là 50%); 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; thông tin quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị được công khai trên mạng Internet để hỗ trợ tra cứu thông tin đạt 100%; Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng đạt 87%, cấp huyện đạt 86% (mục tiêu cấp Quốc gia là 80%), với cấp xã đạt 84% (mục tiêu cấp Quốc gia là 60%)…

Các doanh nghiệp thực hiện khai tờ khai hải quan điện tử, giảm thiểu thời gian đi lại cũng như phát sinh tiêu cực trong quá trình tham gia xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai
Các doanh nghiệp thực hiện khai tờ khai hải quan điện tử, giảm thiểu thời gian đi lại cũng như phát sinh tiêu cực trong quá trình tham gia xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai

Đến nay, tỉnh Lào Cai có 1.761 trong số 1.966 thủ tục hành chính (đạt 89,5%) cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên cổng dịch vụ công; 75,5% dịch vụ công trình lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

“Tỉnh Lào Cai quyết tâm chuyển đổi số phục vụ phát triển toàn diện; để làm được việc này, thời gian tới cả hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc. Trước tiên là cán bộ, đảng viên, nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, địa phương về tinh thần quyết tâm chuyển đổi số. Hướng tới việc lấy nhiệm vụ chuyển đổi số là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các ngành, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên”, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai nhấn mạnh./.

Tin cùng chuyên mục
18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

Dữ liệu mới đây từ Kaspersky (Hãng bảo mật phần mềm của Nga) công bố cho biết, các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các hình thức lừa đảo tinh vi hay tấn công phi kỹ thuật đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, cần hết sức đề cao cảnh giác. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.