Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Khai thác nền tảng kỹ thuật số lan tỏa hương vị ẩm thực dân tộc

Tấn Vịnh - Tố Oanh - 06:33, 03/11/2022

Ẩm thực dân tộc là loại hình văn hóa gắn bó chặt chẽ với cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh của cộng đồng, đặc biệt là của đồng bào các DTTS. Trong bối cảnh hội nhập, nhiều chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ chuyển đổi số, hòa mạng quốc tế đến với các ngành, các cấp các vùng miền trên cả nước. Mới đây nhất là Dự án ứng dụng công nghệ thông tin đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với số tiền trên 1.549 tỷ đồng. Tranh thủ lợi thế này, nhiều bạn trẻ người DTTS đã khai thác hiệu quả mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá ẩm thực dân tộc, góp phần gìn giữ, lan tỏa văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam với bạn bè trong nước và thế giới.

Cô gái Cơ Tu với các mặt hàng đặc sản ẩm thực dân tộc
Cô gái Cơ Tu với các mặt hàng đặc sản ẩm thực dân tộc

Đối với đồng bào các DTTS, ẩm thực không chỉ phục vụ nhu cầu của cá nhân, cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày, các lễ hội truyền thống, mà còn là di sản văn hóa mang bản sắc, hương vị riêng của từng dân tộc. Nguồn sống, sản vật từ núi rừng, chẳng những đáp ứng nhu cầu ăn mặc cho đồng bào, mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cho đồng bào, bởi nó vừa bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm và được sự ưa chuộng của người tiêu dùng. Việc phổ biến, truyền dạy nghệ thuật ẩm thực dân tộc dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, mạng xã hội, là một phương thức quảng bá rất phù hợp với thời đại 4.0 hiện nay.

Từ nhiều năm nay, nông sản - nguyên liệu chế biến ẩm thực, sản phẩm ẩm thực dân tộc không chỉ có mặt ở các cửa hàng, siêu thị, chợ vùng cao, điểm du lịch cộng đồng mà còn được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội, qua hình thức bán hàng online. Một số trang Web, Blog cá nhân về ẩm thực được hình thành gắn với điểm du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành. Lớp trẻ người DTTS đã biết sử dụng điện thoại thông minh, máy ảnh có chức năng quay phim làm video clip, chụp ảnh hướng dẫn, giới thiệu ẩm thực dân tộc trên YouTube, Facebook, Zalo, Tiktok... thu hút đông đảo người theo dõi, chia sẻ để cùng nhau khám phá và thưởng thức ẩm thực dân tộc.

Chàng trai Alăng Brắc (bên trái) dân tộc Cơ Tu nổi tiếng trên mạng xã hội với những video quản bá về văn hóa, ẩm thực của người Cơ Tu ở Quảng Nam (Ảnh chụp màn hình video)
Chàng trai Alăng Brắc (bên trái) dân tộc Cơ Tu nổi tiếng trên mạng xã hội với những video quảng bá về văn hóa, ẩm thực của người Cơ Tu ở Quảng Nam (Ảnh chụp màn hình video)

Một số YouTuber người dân tộc Cơ Tu như, Alăng Lai, Alăng Brắc, Alăng Thị Công (huyện Đông Giang, Quảng Nam), mỗi tuần làm ít nhất một video về đời sống, văn hóa truyền thống của người Cơ Tu để đăng lên các trang mạng xã hội. Có những video đã đạt con số “triệu lượt view”, nhiều YouTuber bắt đầu có doanh thu nhờ kết nối với quảng cáo trên YouTube các sản phẩm của đại ngàn Trường Sơn. 

Từ ban đầu làm cho vui, thỏa niềm đam mê, thế rồi khi được nhiều người theo dõi, động viên, các bạn trẻ đã sản xuất nhiều video có chất lượng hình ảnh và nội dung, nhờ đó đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Nhiều năm nay, Plong Plêênh, một cán bộ trẻ tuổi, năng động, đầy tâm huyết trong lĩnh vực quản lý hoạt động văn hóa, du lịch của huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã tích cực sử dụng Facebook để quảng bá, giới thiệu vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc Cơ Tu. Những nét đẹp cảnh quan thiên nhiên của vùng cao với thung lũng sương nhìn từ đỉnh núi Quế, vương quốc Pơ Mu, những cây đa cổ thụ... được anh thu vào ống kính, dàn dựng thành những chương trình trải nghiệm văn hóa rất thú vị và sinh động. 

Đặc biệt, văn hóa ẩm thực của dân tộc Cơ Tu được bạn trẻ này lưu tâm hơn cả. Nhiều hình ảnh và video quay về cảnh đồng bào Cơ Tu đi hái rau rừng, bắt cá, chế biến, nấu nướng các món ăn, cách khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ và thưởng thức ẩm thực sạch, nguyên bản của khách du lịch tại bản làng được nhiều người vào xem, chia sẻ và để lại những bình luận tích cực.

Cô gái Vân Kiều đang sắp đặt các món ăn lên chiếc mâm đan bằng mây tre
Cô gái Vân Kiều đang sắp đặt các món ăn lên chiếc mâm đan bằng mây tre

Một thanh niên trẻ dân tộc Ba Na tên là A Ngưi, ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kpang (Gia Lai), cũng đã xây dựng homestay với tổng diện tích 8000 m2 được thiết kế theo phong cách văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại đây có các dịch vụ lưu trú, cafe, các hoạt động cồng chiêng, lửa trại, trải nghiệm nghề dệt truyền thống của đồng bào Ba Na, các dịch vụ tour trekking, camping...

 Bên cạnh vốn văn hóa cổ truyền khác, ẩm thực dân tộc Tây Nguyên được khai thác để phục vụ du khách lúc lưu trú và tổ chức tiệc gia đình, cơ quan... A Ngưi tự truyền thông, quảng bá cho homestay của mình qua Facebook.

Hay một trường hợp khác, cô gái trẻ có tài khoản Facebook là Thi Thi ở thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), nhiều năm nay đã dùng phương tiện truyền thông hữu ích này để kết nối, giao lưu và quảng bá các loại nông sản tươi sạch của miền sơn cước. Đó là nếp than A Lưới, mật ong, măng rừng, nấm và các món ăn thức uống “nhà làm” theo phương thức dân gian. Ví dụ, thức uống “hoa đu đủ đực ngâm mật ong rừng” được cô giới thiệu là một loại thức uống vô cùng bổ dưỡng với nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe như hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, làm dịu ngăn ngừa các cơn ho, phòng ngừa ung thư, ngăn ngừa đột quỵ, đau tim, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, giảm nồng độ Cholesteron, ổn định đường huyết. Hay “Nếp than” A Lưới là loại lương thực dùng để làm bánh, nấu chè, nấu xôi, sữa chua nếp cẩm...

Không chỉ giới thiệu sản phẩm mà cô gái trẻ này còn viết những dòng chữ cô đọng hướng dẫn cách pha chế, nấu nướng các loại đồ ăn thức uống. Các báo địa phương và trung ương, cũng mở nhiều chuyên mục, chuyên trang và chuyên đề về ẩm thực các dân tộc Tây Nguyên trên báo điện tử. Nhờ đó, đã góp phần tích cực quảng bá, thu hút khách du lịch.

Cô gái người Pa Cô với các món đặc sản dân tộc trong lễ hội ẩm thực
Cô gái người Pa Cô giới thiệu các món đặc sản dân tộc tại lễ hội ẩm thực

Ẩm thực dân tộc là loại hình văn hóa phi vật gắn bó chặt chẽ với cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh của cộng đồng. Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình nuôi trồng, khai thác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, sử dụng... việc quảng bá, phổ biến ẩm thực dân tộc qua mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật số để giá trị ẩm thực đi vào cuộc sống, lan tỏa trên “thế giới phẳng”, phục vụ mọi đối tượng, nhất là trong lĩnh vực hoạt động du lịch, đang được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh, thành phố, vùng đồng bào DTTS và miền núi, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc cần quan tâm, thể hiện hơn nữa tình yêu, tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc... từ đó lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa ẩm thực nói riêng đến với cộng đồng xã hội, với bạn bè trên thế giới.