Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Ngăn chặn nạn tảo tảo hôn và hôn nhân cận huyết: Bắt đầu từ thực hiện hiệu quả mô hình điểm

Hoàng Thùy - 00:04, 29/12/2020

Đăk Lăk là một tỉnh có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS khá cao so với cả nước. Đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, năm 2020, Ban Dân tộc Đăk Lăk triển khai mô hình điểm tại huyện M’Đrăk với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.

Hội nghị tập huấn tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tại xã Krông Jing, huyện M’Đrăk
Hội nghị tập huấn tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tại xã Krông Jing, huyện M’Đrăk

Triển khai nhiều hoạt động thiết thực

Triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025” theo Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, lắp đặt áp phích, cấp phát tời rơi và sổ tay đến các xã vùng sâu có đông đồng bào DTTS, tỉ lệ tảo hôn cao.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk tổ chức nhiều hoạt động nhằm kép giảm tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS như,  tuyên truyền phổ biến pháp luật; truyền thông vận động, tư vấn nâng cao nhận thức thay đổi hành vi. Biên soạn cung cấp tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các hội nghị, hội thảo nâng cao năng lực; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS; huy động nguồn lực thực hiện đề án; quản lý điều tra giám sát, đánh giá thực trạng Đề án.

Với mục tiêu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật; chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS; trên 90% cán bộ công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông; Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.

Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng giảm trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, để đạt kết quả như mong đợi, trong thời gian tới tỉnh Đăk Lăk cần những biện pháp mạnh hơn nữa.

Kỳ vọng mô hình điểm

Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk chọn huyện M’Đrăk để tổ chức thực hiện Mô hình điểm “Đề án Giảm thiểu trình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại 5 xã. Ngay từ đầu, mô hình điểm đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các sở, ngành, thu hút được đông đảo người dân trên địa bàn tham gia.

Huyện M’Đrăk có 46% đồng bào DTTS, sống chủ yếu bằng nghề nông, tập quán lạc hậu và còn tồn tại nhiều hủ tục. Những năm qua, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện tuy có giảm, nhưng vẫn đứng ở tốp đầu của tỉnh. Theo kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019, huyện M’đrăk có 4.447 trường hợp tảo hôn, chiếm hơn 41% dân số toàn huyện, trong đó, đồng bào dân tộc Mông và Ê đê có tỉ lệ tảo hôn cao nhất huyện. Về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, toàn huyện có 169 trường hợp tập trung chủ yếu ở đồng bào Ê đê.

Mô hình điểm triển khai nội dung trọng tâm là khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”; tổ chức hội nghị tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong vùng đồng bào DTTS; tổ chức tuyên truyền lưu động nhằm cung cấp thông tin, hình ảnh về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; cung cấp hàng trăm bộ tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng Kinh và tiếng DTTS về hôn nhân, gia đình trong cộng đồng, những hệ lụy, tác hại mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đem lại; tổ chức các hội nghị tập huấn triển khai Đề án tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.

Đăk Lăk nỗ lực từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn và sinh đông con tại các vùng đồng bào DTTS
Đăk Lăk nỗ lực từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn và sinh đông con tại các vùng đồng bào DTTS

Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk phối hợp với cán bộ huyện M’Đrăk, thành lập 5 Tổ tư vấn tại 5 xã mô hình điểm. Thành viên tổ tư vấn có nhiệm vụ đi tuyên truyền trực tiếp, thu thập thông tin và phát tờ rơi, sổ tay tuyên truyền. 

Năm 2020, các tổ tư vấn đã phát mỗi xã 1.300 tờ rơi, 660 sổ tay hỏi đáp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, mô hình còn tuyên truyền lưu động thông qua hệ thống loa phát thanh của xã bằng tiếng Kinh và tiếng DTTS (Ê đê và Mông) ngày 4 lượt, phát liên tục trong 1 tháng. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã tổ chức 5 Hội nghị tập huấn tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tại các xã mô hình điểm, lãnh đạo Ban trực tiếp trao đổi hỗ trợ nghiệp vụ cho các tổ tư vấn và trực tiếp tuyên truyền đến người dân.

Theo ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kéo dài dai dẳng, chưa hồi kết là do việc xử phạt đối với các trường hợp tảo hôn còn mang tính hình thức, chiếu lệ, chưa đủ sức răn đe… 

Muốn đẩy lùi tình trạng tảo hôn và sinh đông con tại các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền, các đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về DS-KHHGĐ; hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh đông con. Ngoài ra, cần phải có biện pháp xử phạt, răn đe kịp thời một số trường hợp tảo hôn; đồng thời biểu dương những dòng họ và những gia đình đã thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, có con cái không tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống, không sinh đông con… 

“Bằng nhiều biện pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào, chúng tôi kỳ vọng sẽ kéo giảm số cặp tảo hôn tiến tới xóa bỏ tảo hôn trên địa bàn huyện”, ông Vinh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Chính sách dân tộc góp phần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

Kiên Giang: Chính sách dân tộc góp phần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

Kiên Giang xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Theo đó, thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, là “bằng chứng sống, sinh động”, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.