Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Bá Minh Truyền - 18:35, 17/09/2024

Hằng năm, cộng đồng người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức 4 lễ lớn trên các đền tháp như Yuer Yang, Katê, Cambur và Peh Bimbeng Yang. Trong đó, Lễ hội Katê có sự tham gia của cả cộng đồng người Chăm và đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Đồng bào Chăm múa trên tháp dịp Lễ hội Ka tê năm 2023
Đồng bào Chăm múa bên tháp dịp Lễ hội Ka tê năm 2023. (Ảnh tư liệu)

Năm nay, Lễ hội Katê chính thức diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 10 năm 2024 với nhiều hoạt động, nghi lễ phong phú và đa dạng: Lễ đón rước y trang từ cộng đồng người Raglay, múa tập thể ở sân vận động thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, lễ rước y trang lên đền tháp Po Klaong Garay và Po Ramê và các nghi thức dâng lễ vật trên đền tháp của cộng đồng người Chăm.

Tiến hành Lễ hội Katê có các chức sắc Bàlamôn giáo như Po Adhia, bà Pajau, ông Kadhar và ông Camanei phối hợp cùng nhau thực hành các nghi thức mở cửa đền tháp, tắm tượng thần, dâng lễ vật và hát ngợi ca tiểu sử các vị thần. Qua đó, người dân khấn cầu cho vụ mùa mới được bội thu, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển, đời sống người dân được ấm no, bình an và hạnh phúc.

Các chức sắc Chăm cùng đồng bào hành lễ trên Tháp
Các chức sắc Chăm cùng đồng bào hành lễ trên Tháp. (Ảnh tư liệu)

Ngoài sự tham gia của cộng đồng người Chăm còn có sự tham gia hành lễ của đồng bào dân tộc Raglay ở miền núi có mối quan hệ mật thiết với người Chăm. Tại đền tháp Po Klaong Garay có sự tham gia của cộng đồng người Raglay ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước. Tại khu vực đền tháp Po Ramê có cộng đồng người Raglay ở thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam. Tại khu vực đền thờ Po Ina Nagar có cộng đồng người Raglay ở thôn Giá, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam tham gia biểu diễn mã la, kèn bầu, mang y trang đến hành lễ.

Người Chăm có câu thành ngữ “Bilan tijuk ngap yang Katê bilan salapan ngap yang Cambur”, nghĩa là tháng 7 Chăm lịch cúng lễ Katê, tháng 9 cúng lễ Cambur. Để chuẩn bị cho Lễ hội Katê, cộng đồng Chăm làm vệ sinh làng xóm, nhà cửa, lựa chọn những lễ vật như trái cây, bánh ngọt, con gà, dê, trầu cau và rượu trứng. Vốn là những sản vật địa phương do người dân nuôi trồng, mang đến đền tháp dâng cúng cho các vị thần nhằm mục đích tạ ơn các vị thần đã ban cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa được tươi tốt, cuộc sống ấm no và mạnh khỏe. Đồng thời, xin các vị thần che chở, phù hộ độ trì, công việc lao động gặp nhiều thuận lợi, con cái học tập nên người.

Thiếu nữ Chăm dâng lễ lên Tháp (Ảnh tư liệu)
Thiếu nữ Chăm dâng lễ lên Tháp. (Ảnh tư liệu)

Ẩm thực trong Lễ hội Katê không thể thiếu các món bánh tét đòn, bánh tét cặp, bánh ít được làm bằng gạo nếp, bánh ginraong laya được làm bằng bột gạo và trứng gà nặn thành hình san hô rồi mang chiên chín bột. Canh thịt dê nấu với lá me non, củ hành lá và gạo rang giã nhuyễn ăn với rau ghém.

Đặc biệt năm nay, trước thềm diễn ra Lễ hội Katê, từ ngày 27- 29/9, tỉnh Ninh Thuận tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm toàn quốc lần thứ VI, có sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố như Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Cộng đồng người Chăm từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về Ninh Thuận tranh tài, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Qua đó, Ninh Thuận có dịp quảng bá hình ảnh miền đất, con người, sản vật địa phương và di sản văn hóa Chăm.

Vũ điệu trên Tháp (Ảnh tư liệu)
Vũ điệu trên Tháp. (Ảnh tư liệu)

Hành trình Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm toàn quốc cùng với Lễ hội Katê sẽ mang đến những sắc màu văn hóa linh lung, tìm về cội nguồn văn hóa truyền thống của người Chăm. Du khách trong và ngoài nước được trải nghiệm và thưởng thức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc nhất của cộng đồng Chăm tại miền đất nắng, gió và ẩn chứa nhiều di sản văn hóa sống động./.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.