Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023: Nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo

Tiêu Dao - 10:40, 09/03/2023

Tối 8/3 tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 chính thức khai mạc. Đây là lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 chính thức khai
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 chính thức khai

Lễ hội là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, là nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là dịp để đồng bào Phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người.

Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Đến năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được UBND TP. Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố.

Theo Hòa thượng Thích Huệ Vinh - Trụ trì chùa Quán Thế Âm (TP. Đà Nẵng), Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2023 có thể sẽ thu hút hàng triệu người về tham dự. Cũng như bao lễ hội khác, Lễ hội Quán Thế Âm bao gồm hai phần: Lễ và hội. Phần lễ mang đậm màu sắc lễ nghi Phật giáo hòa quyện với phần hội là những sinh hoạt văn hóa cổ truyền đậm tính nhân văn. Nội dung phần lễ gồm: Lễ rước ánh sáng, Lễ khai kinh, Lễ trai đàn chẩn tế, Lễ thuyết giảng về Bồ Tát Quán Thế âm và dân tộc, Lễ rước tượng Quan Âm.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/3 (nhằm ngày 17 - 19/2 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo đồng bào Phật tử, Nhân dân và du khách tham gia. Các hoạt động chính diễn ra tại Lễ hội bao gồm: Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Lễ Chính thức) diễn ra lúc 7 giờ ngày 10/3 (ngày 19/2 âm lịch); Lễ dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công chúa, Lễ tế Xuân cầu Quốc thái-Dân an; Công bố, trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất mạ vàng 24k và cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên tường 4 tháp Chùa Quán Thế Âm.

Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội sẽ có hoạt động diễn thuyết về giá trị Ma nhai Ngũ Hành Sơn, mới được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, nhấn mạnh: Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn - di tích quốc gia đặc biệt, là niềm tự hào của người dân thành phố, nơi đây không chỉ là một tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Đà Nẵng, mà còn gắn bó, hòa quyện với đời sống tâm linh của người dân thành phố.