Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ Mát nhà của người Mường

PV - 15:23, 24/11/2020

Người Mường ở Hòa Bình có nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ lễ hội đến những phong tục tập quán, nếp ăn ở hàng ngày, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của dân tộc. Trong đó, Lễ Mát nhà là một phong tục độc đáo của dân tộc Mường.

Thầy mo làm lễ cúng trong Lễ Mát nhà.
Thầy mo làm lễ cúng trong Lễ Mát nhà.

Lễ Mát nhà hay gọi như người Kinh là lễ giải hạn, chính là lễ để xua đuổi hóa giải những điều xấu, cầu may mắn. Nhiều gia đình thường tổ chức lễ này vào dịp đầu năm. Tuy nhiên cũng có những gia đình gặp điều không may thì tiến hành làm Lễ Mát nhà vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Cũng có nhiều gia đình tổ chức lễ sau thời gian thu hoạch vụ mùa, khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm.

Trong Lễ Mát nhà của người Mường Hòa Bình, vai trò của thầy mo rất quan trọng. Thầy mo là cầu nối giữa thần linh với con người. Khi được gia chủ mời về làm lễ, thầy mo sẽ chuẩn bị các đồ vật cần thiết sử dụng trong nghi lễ gồm túi khót, quạt… Cũng có thầy mo còn chuẩn bị một bảo kiếm với ý nghĩa ngày xưa, khi địa hình đồi núi còn rậm rạp, phức tạp, khi đón thầy về làm lễ, thanh kiếm sẽ như một vật tượng trưng được cầm đi trước để bảo vệ thầy khỏi những vật cản.

Lễ vật trong Lễ Mát nhà cũng khá cầu kỳ. Trong lễ vật không thể thiếu một con vịt, tượng trưng cho phương tiện di chuyển đưa các vị thần từ Mường Trời xuống trần gian. Bên cạnh những mâm cỗ dành cho các vị thần thánh, gia chủ cũng chuẩn bị những mâm cỗ cho cả tà ma ăn. Trong đó có một con gà luộc chín bắt buộc phải có. Những mâm cỗ này phải được đặt ở vị trí gần cửa chính nhất với quan niệm những chuyện xấu xảy ra là do tà ma quấy nhiễu, do vậy sẽ cho ma ăn một bữa thật no rồi đuổi ra khỏi nhà theo cửa chính, làm phép để tà ma không quay lại nữa. Trong đó, thường chuẩn bị 70 mâm cỗ nhỏ và 20 mâm cỗ to.

Thầy mo Bùi Văn Minh, xã Vân Sơn, Lạc Sơn, Hòa Bình cho biết: Lễ vật có mâm to, mâm nhỏ vì mâm to là mời Thành hoàng bản thổ, mời thổ công thổ địa, mời những thần lớn ở Mường Trời xuống ăn. Mâm nhỏ là tà, hoặc quan ở gần đấy ăn mâm nhỏ. Và mỗi mâm nhỏ để 2 đôi đũa.

Các nghi lễ bắt đầu tiến hành tại nơi cửa sổ chính, quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn của người Mường, chỉ dành cho người có chức vụ cao nhất trong ngôi nhà được ngồi. Ngày làm lễ, thầy mo chính là người có chức vị cao nhất trong ngôi nhà này, người sẽ là cầu nối giữa cõi trần và cõi âm, thực hiện toàn bộ nghi lễ diễn ra được thuận buồm xuôi gió. Thầy mo sẽ tiến hành báo cáo, mời gọi thánh thư của gia chủ hôm nay. Thánh thư là tên gọi những đời làm thầy trong gia đình thầy mo. Đây là nghi thức bắt buộc đầu tiên đối với tất cả các thầy mo Mường khi tiến hành bất kỳ nghi lễ nào.Thánh thư trong quan niệm của người Mường rất quan trọng, nên sẽ được mời về để chứng giám, phù hộ cho mọi nghi lễ được diễn ra tốt đẹp và thuận lợi.

Trong lúc thực hiện nghi lễ mời thánh thư, một túi đồ không thể thiếu là túi khót. Túi khót là bí mật thiêng liêng được truyền lại từ nhiều đời làm thầy. Những đồ vật trong túi khót đều là những vật dụng vô cùng quý giá và đặc biệt như rìu đá cổ, nanh lợn rừng… có vía mạnh như một linh hồn, một biểu trưng mang những ý nghĩa xa xưa về sự may mắn, xua đi những điều gở.

Sau khi hoàn tất Lễ Mát nhà, mọi người tham gia đánh dàn cồng chiêng…
Sau khi hoàn tất Lễ Mát nhà, mọi người tham gia đánh dàn cồng chiêng…

Để Lễ Mát nhà được theo đúng ý nguyện, thầy mo mời về thần hoàng bàn thổ, thổ công bản địa, người đã có công khai thiên lập địa ra vùng đất này, sau đó mới thỉnh các vị thần thánh anh em, hay còn gọi là các vị thần nông nghiệp từ Mường Trời về, mở tiệc cho các ngài ăn no, sau đó sẽ giúp đỡ xua đuổi tà ma, bắt đi những điều xấu, phù hộ cho gia chủ làm ăn khấm khá, con cháu khỏe mạnh. Thầy mo sẽ cầm áo người ốm giơ lên để đón vía về. Theo quan niệm của người Mường, con người gồm 2 thực thể là hồn vía và xác thể bên ngoài. Với những người sức khỏe không tốt là vía mất hay yếu vía, do đó cần lấy lại vía về. Thầy mo sẽ nhờ tới các vị thần từ Mường Trời xuống lấy lại vía cho người ốm, như vậy người ốm sẽ sớm khỏe mạnh. Vía của người ốm sẽ được thầy mo xin âm dương để cho ăn trước khi về lại với thể xác.

Chiếc quạt trên tay thầy mo là nghi lễ quạt đi những khí xấu, lấy lại những khí tốt đẹp, khí mát cho gia chủ. Nghi lễ này có ý nghĩa rất quan trọng bởi người Mường quan niệm, quyền năng từ cái quạt mà thầy mo sử dụng có sức mạnh tối thượng chống lại tà ma. Thầy mo sẽ dùng một bát nước trong đó có mài những vật dụng trong túi khót để vẩy quanh nhà cho gia chủ. Nước tượng trưng cho những điều mát lành, vật dụng trong túi khót là những vật linh thiêng ẩn chứa trong đó sức mạnh. Thầy mo hòa chúng với nhau cùng những lời trú nguyện vẩy quanh nhà để làm mát nhà, mang những điều may mắn trở lại.

Mọi nghi lễ với thần linh kết thúc, lúc này thầy mo tiến hành làm trú nguyện cho gia chủ. Gia chủ sẽ chuẩn bị một mâm cơm có đầy đủ rượu, thịt, xôi. Điều đặc biệt là xung quanh mâm cơm sẽ đặt nhiều chiếc áo khác nhau, mỗi một chiếc áo tượng trưng cho những người khác nhau trong gia đình, được đặt theo chiều kim đồng hồ, theo bậc cấp trong gia đình. Chủ nhà sẽ để đầu rồi đến vợ, con… Tương tự như vẩy nước mát quanh nhà, thầy mo tiếp tục mài những vật dụng trong túi khót hòa vào bát nước cho mỗi thành viên trong gia đình uống. Ngoài ra thầy mo cũng làm những chiếc vòng được bùa chú, được thần linh phù trợ giúp mọi thành viên trong gia đình tai qua nạn khỏi, tránh điều xấu./.