Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát huy văn hóa Khmer trong lĩnh vực du lịch

Phương Nghi - 19:09, 30/04/2024

Những năm qua, từ sự chú trọng giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer mà hoạt động du lịch ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã có nhiều bước phát triển đáng kể. Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn xuất hiện, thu hút du khách trải nghiệm khám phá.

Thiếu nữ Khmer chùa Xiêm Cán trong điệu múa Apsara mượt mà, uyển chuyển.
Thiếu nữ Khmer chùa Xiêm Cán trong điệu múa Apsara mượt mà, uyển chuyển.

Quảng bá âm nhạc dân gian tại chùa

Đối với bà con dân tộc Khmer, môi trường và không gian các chùa là nơi góp phần gìn giữ và duy trì những phong tục, tập quán, đời sống tinh thần qua nhiều thế hệ. Những sinh hoạt văn hóa được đồng bào Khmer bảo tồn thể hiện sức sống mãnh liệt qua các loại hình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống. Vì lẽ đó, chùa Xiêm Cán ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Đội văn hóa, văn nghệ (Đội văn nghệ) nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vốn có của người Khmer, đồng thời phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa đến thưởng ngoạn cảnh chùa.

Dưới sự quản lý và giảng dạy tận tình của Đội trưởng Thạch Thị Tha Ry, một trong những diễn viên múa được đào tạo bài bản tại Đoàn nghệ thuật Khmer Triều An, tỉnh Trà Vinh, Đội văn nghệ đã mang đến cho khách du lịch những tiết mục múa dân gian giàu bản sắc.

Anh Phạm Hữu Hải, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chùa Xiêm Cán có nghệ thuật kiến trúc đẹp, mang bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đến đây, chúng tôi rất thích thú khi được thưởng thức những điệu múa Khmer mượt mà, uyển chuyển do các thiếu nữ xinh đẹp của Đội văn nghệ biểu diễn. Đặc biệt là vũ điệu Apsara, múa gáo, múa răm vông mang đậm màu sắc dân tộc Khmer”.

Được biết chùa Xiêm Cán được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh từ năm 2001 và công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh năm 2022. Theo đó, hoạt động biểu diễn văn nghệ tại chùa Xiêm Cán là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng lãm văn hóa nghệ thuật Khmer tại ngôi chùa.

Chị Thạch Sa Ry, phụ trách điểm cho thuê trang phục truyền thống dân tộc Khmer ở phường 5, TP. Sóc Trăng giới thiệu những bộ trang phục truyền thống dân tộc Khmer để du khách lựa chọn.
Chị Thạch Sa Ry, phụ trách điểm cho thuê trang phục truyền thống dân tộc Khmer ở phường 5, TP. Sóc Trăng giới thiệu những bộ trang phục truyền thống dân tộc Khmer để du khách lựa chọn.

Mở mới các dịch vụ trải nghiệm văn hóa

Tại tỉnh Sóc Trăng, trong nhiều ngôi chùa Khmer đã có các dịch vụ sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, nhằm phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá. Chị Thạch Sa Ry, phụ trách điểm cho thuê trang phục truyền thống dân tộc Khmer ở chùa Bôtum Vong Sa Som Rong ở khóm 2, phường 5, TP. Sóc Trăng cho biết, chúng tôi mở dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc Khmer từ 2 năm nay nhằm phục vụ nhu cầu thuê, mượn trang phục của du khách để chụp ảnh lưu niệm, check-in khi đến tham quan chùa. Qua đó, quảng bá rộng rãi hơn về trang phục truyền thống của dân tộc Khmer đến du khách gần xa.

Khi du khách khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của người Khmer, lại được bàn tay của chị Thạch Sa Ry trang điểm cẩn thận, họ như được hóa thân thành các vũ nữ Apsara xinh đẹp.

Hình thành chuỗi liên kết phát triển du lịch

Phát huy những lợi thế về văn hóa dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh đã và đang khai thác đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá. Đến Làng Văn hóa Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh, du khách được trải nghiệm chuỗi liên kết khu du lịch di tích danh thắng Ao Bà Om; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng; Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer, thưởng thức âm nhạc từ dàn nhạc ngũ âm, múa trống chay dăm, các điệu múa dân tộc…, tham quan làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ, cùng nghệ nhân tìm hiểu chế tác mặt nạ truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc Khmer...

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại chùa Pisesaram xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ảnh TL
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại chùa Pisesaram xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ảnh TL

Hiện nay đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đang “sở hữu” 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, Lễ hội Ooc Om bok và Nghệ thuật Rô - băm; 42 chùa Khmer được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Các chùa Khmer luôn quan tâm duy trì lối kiến trúc cổ, bảo vệ và lưu giữ các di sản văn hóa đặc trưng.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết: Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025), Trà Vinh được phân bổ nguồn vốn gần 59 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Trà Vinh đầu tư tu bổ, tôn tạo 22 di tích, khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Chia sẻ về tiềm năng du lịch ở các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ cho rằng, nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long có chùa Khmer, nhưng không có nhiều chùa được khai thác để phục vụ phát triển du lịch.

“Cần hỗ trợ, định hướng giúp chùa xây dựng thêm các loại hình dịch vụ, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc trưng để điểm chùa trở thành sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc. Chúng tôi sẵn sàng đưa khách về trong thời gian tới nếu các chùa được đầu tư hoàn thiện hơn”, bà Lê Ðình Minh Thy nêu ý kiến.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.