Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ Xên mường, Xên bản- Ngày hội văn hóa cộng đồng trong bản làng người Thái

Nguyệt Anh - 17:14, 18/05/2022

Lễ Xên bản, Xên mường là một nghi lễ dân gian mang đậm yếu tố tâm linh, phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội này thường được đồng bào tổ chức vào mùa xuân với quy mô lớn hay nhỏ tùy theo điều kiện của từng địa phương.


Đồng bào Thái Tây bắc vui múa trong lễ Xên bản (Ảnh TL)
Đồng bào Thái Tây bắc vui múa trong lễ Xên bản (Ảnh TL)

Đồng bào dân tộc Thái luôn coi ông Trời (Pu Then) là vị thần quan trọng có ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến đời sống con người và cộng đồng. Vì thế, tục cúng trời, cúng đất, cúng mường, bản là nét sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, đồng bào Thái thường tổ chức lễ Xên mường, Xên bản nhằm tạ ơn Pu Then, các thần linh thổ địa, Pú mường, Pú bản (những người đầu tiên xây dựng nên bản mường) và tổ tiên… đã mang đến cuộc sống no ấm, bình yên cho con cháu, dân làng.

Lễ Xên bản, Xên mường được tổ chức tại miếu của mường (một mường ngày xưa là cả một vùng rộng lớn, tương đương một huyện hoặc vài ba xã bây giờ). Trước khi vào lễ, toàn mường làm cuộc tổng vệ sinh làng bản, sửa sang miếu cho đẹp hơn, sáng sủa hơn và chuẩn bị lễ vật để dâng cúng gồm: Trâu, lợn, gà do nhân dân góp lại.

Để chuẩn bị cho lễ hội, người trưởng họ (dòng họ đầu tiên đến khai phá, xây dựng bản, mường) sẽ mời thầy mo về cúng. Thầy mo mặc trang phục truyền thống của dân tộc Thái đến trước bàn thờ ở miếu thực hiện nghi lễ cúng. Thầy mo mời Pu Then và Pú mường, Pú bản (thần bản) về dự lễ, thụ hưởng những lễ vật dân bản thành tâm dâng cúng.

Mùa xòe trong lễ Xên bản (Ảnh TL)
Mùa xòe trong lễ Xên bản (Ảnh TL)

Lễ vật dâng cúng trong lễ Xên bản, Xên mường phải có thủ lợn (phải là lợn đen), gà luộc, trứng gà, bát gạo, hương, nến… Thầy mo lấy một bung thóc, một chiếc chài quăng cá, một chiếc búa đặt lên bàn cúng rồi đọc lời cúng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua đuổi tà ma, đem lại sức khỏe, cuộc sống ấm no cho mọi nhà. Sau đó, thầy mo lấy một đoạn tre, bổ đôi rồi tung lên. Khi hai mảnh tre rơi xuống, nếu được xiếng (một úp một ngửa) đó là điềm tốt - lời cầu khấn đã được Pu Then chấp nhận.

Lễ cúng kéo dài khoảng 30 phút, sau đó mâm lễ sẽ được hạ xuống để bà con, dân bản cùng thụ lộc. Đầu tiên, ông trưởng dòng họ sẽ khơi một chum rượu cần mời thầy mo vít cần nếm trước, sau đó đến lượt bà con dân bản cùng vít cong vòi rượu cần chung vui và quây quần ăn uống, chúc tụng vui vẻ.

Khi tiếng chiêng vang lên cũng là lúc nhiều trò chơi, múa hát dân gian diễn ra sôi nổi trong ngày lễ Xên mường, Xên bản. Các điệu múa dân gian như múa xoè, múa khăn, khua luống (quánh lóng) và trò chơi dân gian như cù quay, ném còn, tó má lẹ, thi đối đáp,, kéo co, đẩy gậy, thi bắn nỏ... diễn ra sôi nổi. Người Thái quan niệm, vòng xòe càng rộng, tiếng chiêng càng vang xa, những quả còn được ném trúng qua vòng nhiều lần thì năm đó đời sống dân bản sẽ no ấm, bình yên, may mắn.

Đồng bào dân tộc Thái tham gia trò chơi thi đi cà kheo trong lễ Xên bản
Đồng bào dân tộc Thái tham gia trò chơi thi đi cà kheo trong lễ Xên bản (Ảnh TL)

Lễ Xên mường, Xên bản là một ngày hội cộng đồng dân tộc Thái, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào. Qua lễ hội thắt chặt hơn tình đoàn kết trong dòng họ, bản làng, dân tộc, đồng thời lễ hội cũng là dịp để ôn lại truyền thống, bảo lưu di sản văn hoá dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.