Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lời ru nâng bước chân con

Duy Ly - 11:52, 17/06/2021

Tuổi thơ của mỗi người luôn chứa đựng những hoài niệm khác nhau, thế nhưng lại có điểm chung đó là từng “ít nhất” một lần được nghe hát ru. Ai trong gia đình cũng có thể hát ru, nhưng nhiều và gần gũi hơn cả vẫn là lời ru của bà, của mẹ. Đối với tôi – người con của đồng bào Tày, lời ru của mẹ giống như một thứ “thuốc ngủ” thần kỳ, luôn sâu đậm trong suy nghĩ, có lẽ vì điều đó mà tới khi trưởng thành, có nhiều đêm khó ngủ, tôi vẫn ghé phòng mẹ ỉ ôi “mẹ ơi con khó ngủ quá, mẹ hát Ứ Noọng Noòn cho con nghe nhé!”.


Người mẹ Tày địu em bé trên lưng (Ảnh: Báo Tuyên Quang)
Người mẹ Tày địu em bé trên lưng (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Những ký ức khó quên

Còn nhớ thủa nhỏ, tôi được cử đi thi văn nghệ giữa các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, tại Cung văn hoá thiếu nhi. Trong cuộc thi đó, tôi đã biểu diễn khúc hát “Ru em” bằng cả hai thứ tiếng phổ thông và tiếng Tày. 

Khúc hát “Ru em” dựa trên lời hát ru con dân ca Tày nguyên bản, được người ta đặt lời mới, phần nhạc thêm tiết tấu, luyến láy cho lời ru mềm mại, trữ tình hơn. Đối với tôi, lời hát ru của mẹ có ý nghĩa rất lớn, vì vậy tôi đã đem lòng yêu thích và mong muốn được thể hiện trước nhiều người. Bài hát tuy chỉ đạt giải ba, nhưng vẫn được rất nhiều người khen ngợi. Và mẹ chính là người đã truyền cảm hứng cho tôi lúc đó.

Mẹ tôi kể, những ngày đầu về làm dâu trong gia đình người Tày, với mẹ tất cả đều lạ lẫm. Mẹ tôi phải học từ cách ăn ở, đi đứng sao cho phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc Tày. Trong một lần, ông bà nội tôi lên nương, chỉ còn mẹ và anh trai tôi (khi ấy mới 2 tháng tuổi). Mẹ cho anh ăn no mà vẫn chẳng chịu ngủ. 

Trưa sắp đứng bóng mà cơm canh chưa nấu, mẹ cứ bế anh tôi đi lại hết trên nhà sàn lại xuống dưới sân, hết “Hành khúc ngày và đêm”, lại “Chia tay hoàng hôn” nhưng anh trai tôi vẫn không chịu ngủ. Đi làm nương về thấy vậy bà tôi liền đón tay và khẽ cất lời ru: Ứ noọng noòn / Noòn đắc noòn… rồi khéo ra hiệu bảo mẹ tôi lo cơm nước để bà ru cháu.

Mẹ tôi bảo, câu “Ứ…” của bà cất lên nghe cứ ngọt lịm, mẹ còn tưởng tượng như mình đang dầm mình dưới dòng suối Bắc Ka trong vắt, lại nghe thoảng đâu đây ngọn gió mát lành từ đỉnh Phia Đeng thổi về. Anh tôi lim dim ngủ, thở đều đều mang cả vào giấc ngủ nụ cười “mụ dạy”. Từ đấy, mẹ tôi ham mê học hỏi những lời ru, những câu hát đồng dao của đồng bào dân tộc Tày. Dần dần, lời ru của mẹ cũng ngọt ngào, bay bổng hơn.

Đồng bào Tày trong lao động sản xuất. Ảnh: minh họa
Những cô gái Tày trên đồi chè. Ảnh: minh họa

Lời ru “đi cùng năm tháng”

Tìm về cội nguồn của khúc hát “Ru em”, tôi được biết bất cứ trẻ em dân tộc Tày nào lớn lên cũng được tắm mát tâm hồn bằng những câu hát ru mượt mà: Ứ noọng noòn/Noòn đắc noòn đây/ Noòn thả mé pây rấy au qua/ Noòn thả á, pây nà ău luôm/ Luôm lầu đảy thoong boóc/ Nộc choóc đảy thoong tua/ Tua nâng pây mí ỏm/ Tua nâng pây nhọm mây…(Tạm dịch: Ơi em ngủ đi/ Ngủ say, ngủ yên lành/ Chờ mẹ lên nương lấy dưa/ Chờ chị nhé ra đồng bắt châu chấu/ Châu chấu đầy hai ống/ Chim choóc được hai con/ Một con đi giặt tã/ Một con đi nhuộm chỉ…). 

Lời ru ngọt ngào, trầm bổng, lúc tha thiết, lúc lại thủ thỉ kể về những công việc trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào Tày, như giặt tã, lên nương hái dưa, nhuộm chỉ, chăn trâu, ra đồng bắt châu chấu… Lời ru theo thể thơ 5 chữ, lối kể dí dỏm nên rất dễ học, dễ nhớ, dễ đi sâu vào lòng người.

Em Nông Diệu Băng, dân tộc Tày, học sinh lớp 7 trường THCS Kim Phú, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang kể: “Nhà em có 3 anh chị em, em là con cả, từ bé em đã được nghe mẹ hát ru rồi. Đến giờ khi mẹ sinh em thứ 3, ngày nào mẹ cũng hát ru cho em của em”.

Khi được hỏi về cảm nhận đối với lời hát ru của người Tày, Băng chia sẻ thêm: “Em rất thích nghe hát ru, lời ru của mẹ giúp chúng em dễ đi vào giấc ngủ hơn. Lớn rồi khi nghe mới hiểu  lời ru chứa đựng những câu chuyện hay, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt và hơn hết khiến em cảm thấy thêm yêu thương gia đình mình”.

Bà Hoàng Thị Cúc, dân tộc Tày ở Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang chia sẻ: Lời hát ru của người Tày khá phong phú về nội dung. Tất cả những bài hát ru đều mang một ý nghĩa riêng. Có thể đó là những câu hát gần gũi, mộc mạc, thể hiện tình cảm của người mẹ dành cho con; cũng có những câu hát lại tái hiện về cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán của dân tộc... với mong muốn những đứa trẻ lớn lên cùng với lòng tôn kính mẹ cha, tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, sống nhân ái…

Có thể cảm nhận, các bài hát ru không chỉ là cả thế giới hồn nhiên, với những hình ảnh bình dị và hết sức gần gũi với tuổi thơ, mà lời hát ru còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách của con người, bồi đắp tình yêu quê hương, gia đình; bồi đắp đời sống tâm hồn của trẻ thêm phần phong phú, trong sáng.

Với tôi, dù đi công tác xa quê, nhưng những câu hát ru thể hiện tình yêu thương ấm áp của bà, của mẹ đã là hành trang theo tôi suốt chặng đường đời. Đó là công cha nghĩa mẹ, là tình cảm gia đình đã nuôi dưỡng, nâng bước tôi mỗi khi gặp gian khó...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.