Khác với nhiều bạn bè cùng thế hệ, nhạc sĩ Lầu A Sa chọn cho mình con đường đến với nghệ thuật trong bối cảnh khi điều kiện kinh tế nghèo khó, lo từng bữa cơm, manh áo. Nhưng có lẽ vì niềm đam mê, vì muốn dâng hiến đến người dân nghèo món ăn tinh thần mà nhạc sĩ đã tìm đến với âm nhạc. “Điều duy nhất trong đầu lúc đó là mang lại cho bà con mình một món ăn tinh thần như lời khích lệ, động viên trong cái nghèo đói của cuộc sống”, nhạc sĩ Lầu A Sa tâm sự.
Nhạc sĩ Lầu A Sa theo học Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái từ năm 1990, tính đến nay, ông đã có gần 30 năm gắn bó với những câu hát, giai điệu âm nhạc vùng cao. Âm nhạc của Lầu A Sa là những giai điệu vui tươi, toát lên niềm lạc quan, yêu đời của người dân vùng cao. Nội dung trong mỗi ca khúc là những hình ảnh bình dị, gần gũi như tiếng gọi nhau lên nương, tiếng lòng tâm tình của những chàng trai cô gái… Tất cả đã tạo nên những bản hòa âm đầy tính nghệ thuật nhưng vẫn chất chứa hơi thở của cuộc sống.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ca khúc để lại cho ông nhiều cảm xúc, và cũng để lại dấu ấn trong lòng người nghe nhất là “Em đi trên nương”. Ông kể lại, ca khúc được ra đời trong một không gian, thời gian ngẫu nhiên, cảm xúc đến với ông như một cuộc hẹn không báo trước. Trong một buổi sáng tinh mơ, khi đang đi trên đường ông tình cờ bắt gặp khung cảnh sương mù mờ ảo, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo rồi xa xa là tiếng cười nói vang vọng qua vách núi của những thiếu nữ người Mông đi làm nương. Khoảnh khắc tình cờ đó đã truyền cho ông mạch cảm xúc khiến ông bật lên thành lời những câu hát chất chứa niềm tin yêu vào cuộc sống.
Là người yêu văn hóa dân tộc, nên nhạc sĩ Lầu A Sa luôn trăn trở, đau đáu một nỗi niềm, làm sao để âm nhạc dân tộc không bị mai một. Nhạc sĩ cho rằng, việc giới trẻ ngày nay có xu hướng lựa chọn những ca khúc nhạc hiện đại là một điều đáng báo động cho âm nhạc mang âm hưởng dân tộc. Theo nhạc sĩ, để bồi đắp lại tình yêu âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ, điều đầu tiên là cần có nhiều sân chơi, chương trình giao lưu tại cơ sở để từ đó nhân rộng, lan tỏa và phát huy âm nhạc dân tộc.