Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lòng người nơi biên viễn: Đường điện chia đôi (Bài 3)

Hiếu Hồng - Hường Tiến - 21:28, 07/12/2021

Trên dọc tuyến biên giới của Tổ quốc, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), cùng với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã tích cực phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ chính quyền và Nhân dân các nước láng giềng bằng nhiều việc làm cụ thể. Những hành động đẹp này, đã tô thắm tình hữu nghị giữa các quốc gia, đồng thời góp phần tạo ra môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc biên cương.

Đường điện Đắk Lắk chia đến đồn nước bạn
Đường điện của Điện lực Đăk Lăk xuyên qua khu rừng khộp, đưa nguồn điện đến đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia

Ánh sáng hữu nghị

Chở chúng tôi trên chiếc xe máy “đặc chủng”, rồi dừng chân ở dải đất cuối rừng nơi giáp ranh hai nước, Đại úy Mai Xuân Nam, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng SêRêPốk (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk) chỉ cho chúng tôi đường dây điện cao thế đưa điện đến Đồn nước bạn Campuchia.

Đại úy Nam bảo, đây là 1 trong 3 tuyến đấu nối đường điện cao thế của toàn bộ công trình chia điện do UBND tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, Điện lực Ea Súp (Công ty Điện lực Đắk Lắk) là đơn vị thi công. Đường điện này xuyên thẳng qua cánh rừng khộp, đưa dòng điện từ Việt Nam đến Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới bộ Ô Rô, thuộc Ty Công an tỉnh Mondulkiri, Campuhia.

Công trình đường điện thắp sáng cho 3 Đồn Cảnh sát bảo vệ thuộc Ty Công an tỉnh Mondulkiri, Campuchia có chiều dài 3,3 km, tổng số vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng. Công trình bắt đầu thi công tháng 9/2016 sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý.

“Hồi đó, địa hình biên giới phức tạp lắm, công tác an ninh, kiểm soát người ra vào rất nghiêm ngặt. Lực lượng Biên phòng vừa bảo đảm an ninh, vừa hỗ trợ các đơn vị kéo điện, đổ trụ, bảo vệ trang thiết bị… Dầm mình dưới mưa, phơi mình trong nắng, anh em thi công không nghỉ ngày nào để kịp tiến độ”, Đại úy Nam chia sẻ.

Thời gian qua, chính quyền địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng Việt Nam và đồng bào các dân tộc thường xuyên tổ chức các chương trình Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang hai bên biên giới đã thường xuyên duy trì mối quan hệ truyền thống, thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp lễ, tết; kịp thời trao đổi thông tin để giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan.

Sau 3 tháng thi công, cuối tháng 12/2016, cầu dao điện đóng xuống, dòng điện từ Việt Nam đã chuyển chạy qua nước bạn hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân bên kia biên giới. Có điện, cán bộ, chiến sĩ Đồn bạn thoát cảnh tù mù của đèn bình ắc quy, xuống suối xách nước về dùng, điện thoại phập phù lúc có, lúc không, thiếu thốn đủ bề. Điện không chỉ làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của sĩ quan, binh sĩ các đồn, chốt bảo vệ biên giới tỉnh Mondulkiri, mà công tác phối hợp hai bên ngày càng hiệu quả, nhờ thông tin kịp thời.

Nhớ lại những ngày tháng chưa có điện, Thiếu úy Buôn Thay, Phó Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới bộ Ô Rô chia sẻ: Đơn vị đóng quân ở xa, anh em có khi cả năm mới được về thăm nhà. Cầu nối tinh thần với hậu phương không gì khác ngoài chiếc điện thoại di động.

 Khi chưa có điện lưới, anh em phải chắt chiu từng vạch pin để có thể giữ liên lạc với gia đình trong những trường hợp cần thiết… Từ khi có điện, cuộc sống của chúng tôi thay đổi hẳn. Có điện, có giếng, máy bơm thay sức người, từ đó những luống rau, vườn cây cũng xanh tốt hơn, những cuộc điện thoại về với hậu phương thường xuyên hơn.

Không chỉ triển khai đấu nối đường điện đồn SêRêPốk, thời điểm này, dọc biên giới tỉnh Đắk Lắk tiếp giáp Campuchia còn có 2 đồn khác huy động cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhà thầu kéo điện đến các đồn, chốt bảo vệ biên giới của nước bạn.

Trung tá Đỗ Thế Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê, chia sẻ: Đường điện đến Đồn nước bạn phải đi qua cánh rừng rậm, khe suối sâu. Có thời điểm, anh em trong Đồn phải qua bên kia nước bạn, giúp đẩy nhanh tiến độ để đưa công trình về đích đúng hẹn phục vụ thắp sáng cho Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Việt Nam cứu cán bộ, chiến sĩ đồn bạn vượt mưu lũ đến nơi an toàn
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Việt Nam cứu cán bộ, chiến sĩ đồn bạn vượt mưu lũ đến nơi an toàn

Cứu  bạn trong lũ dữ

Chuyện đối ngoại Biên phòng thấm đẫm tình hữu nghị và càng thêm xúc động hơn, khi Đại úy Mai Xuân Nam, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng SêRêPốk nhắc đến câu chuyện cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vượt lũ dữ cứu cán bộ, chiến sĩ và thân nhân Đồn bạn.

Giữa năm 2019, cơn bão số 3 gây mưa lớn, kéo dài, nước sông SêRêPốk cuồn cuộn dâng cao, chỉ trong vài giờ đồng hồ, cả khoảnh rừng già ngập sâu trong nước. Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Me Ruch thuộc Ty Công an tỉnh Mondulkiri lọt giữa bốn bề nước mênh mông, đối mặt nguy hiểm. Thời điểm đó, đồn bạn có 6 sĩ quan, binh sĩ và 2 thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đồn.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk chữa bệnh cho nhiều cán bộ chiến sĩ đồn bạn
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk chữa bệnh cho nhiều cán bộ chiến sĩ đồn bạn

Từ 2015 đến nay, Việt Nam đã triển khai giúp đỡ 5 cụm điểm dân cư của Lào phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị đã bàn giao 15 nhà hữu nghị, trị giá 900 triệu đồng; 2 nhà văn hóa cộng đồng, 1 trường tiểu học/2 phòng học, trị giá 1,8 tỷ đồng. Nâng bước đỡ đầu 82 cháu học sinh của Lào, 102 cháu học sinh của Campuchia ở khu vực biên giới mỗi cháu 500.000 đồng/tháng cho đến khi học hết chương trình THPT.

Tình thế cấp bách, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ biên giới 303 đề nghị sự giúp đỡ của BĐBP tỉnh Đắk Lắk trực tiếp là Đồn Biên phòng SêRêPốk. Nhận được tin báo, ngay lập tức, Đồn Biên phòng SêRêPốk đã triển khai lực lượng và xuồng máy cứu người đưa về đơn vị tránh lũ, chăm sóc một sĩ quan của bạn sốt cao. Khi lũ rút, BĐBP Đắk Lắk lại chung tay, đồng hành cùng sĩ quan, binh sĩ các đồn, chốt biên giới bạn khắc phục hậu quả, từng bước ổn định cuộc sống.

Thiếu tướng On Bun Narit, Phó Giám đốc Ty Công an tỉnh Mondulkiri nhấn mạnh: "Sự giúp đỡ tận tình trong mọi hoàn cảnh của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk chính là nguồn động viên to lớn để chúng tôi khắc phục những khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi rất trân quý tình cảm đó và mong rằng, hai lực lượng tình đoàn kết, hữu nghị luôn phát huy".

Và thực tế là, tinh thần hữu nghị ấy vẫn tiếp tục tỏa sáng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, đã có hàng chục tấn hàng, bao gồm các nhu yếu phẩm, vật tư y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được BĐBP tỉnh Đắk Lắk chuyển đến lực lượng bảo vệ biên giới và Nhân dân tỉnh Mondulkiri. Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa lúc khó khăn chính là minh chứng sống động cho tình hữu nghị của hai bên.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.