Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lòng người nơi biên viễn: Tình yêu kết nối đôi bờ Sê Pôn (Bài 2)

Hiếu-Hồng, Hường-Tiến - 22:14, 04/12/2021

Nơi miền biên viễn, để thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, vun đắp tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, các cấp chính quyền đang phát huy hoạt động đối ngoại Nhân dân, và người dân hai nước ở hai bên biên giới cũng theo đó tiếp tục vun đắp tình đoàn kết bằng những mối giao hòa, kết nghĩa... dệt nên những câu chuyện đẹp về nghĩa tình bản kết bản; về những mối tình xuyên biên giới, để từ đó nhiều đôi trai gái đã thành vợ thành chồng...

Trưởng bản Hồ Văn Thảo nói về tình hữu nghị Việt - Lào
Trưởng bản Hồ Văn Thảo nói về tình hữu nghị Việt - Lào

Tình hữu nghị đôi bờ Sê Pôn

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu như nước Hồng Hà Cửu long”. Ngày nay, trong quá trình xây dựng đất nước, Nhân dân trên tuyến biên giới Việt - Lào tiếp tục vun đắp tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chung sức xây dựng một giải biên cương hòa bình, ổn định cùng phát triển và đời đời bền vững.

Thông tin từ ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Lao Bảo, huyện hướng hóa, tỉnh Quảng Trị về bản Ka Túp (Quảng Trị, Việt Nam), kết nghĩa với bản Ka Túp (tỉnh Savannakhet, CHDC Nhân dân Lào) được 16 năm, đã lý giải cho chúng tôi về sự yên bình, thân thiện giữa đôi bờ Sê Pôn, nơi phân định ranh giới Việt - Lào.

Dòng Sê Pôn thơ mộng, vẫn hiền hòa chảy trong mùa nước cạn. Bên này Sê Pôn, những cư dân Bru Vân Kiều ở Ka Túp (Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn í ới qua bên kia bờ Sê Pôn bằng tiếng nói của dân tộc mình. Thực ra, bên kia Sê Pôn, là bản Ka Túp tỉnh Savannakhet, đất nước triệu voi. Những ngày giáp hạt, người Bru Vân Kiều hai bên dòng Sê Pôn chia sẻ cho nhau từng đấu gạo, thúng ngô. Trong sản xuất, họ sẵn sàng cho nhau mượn đất để cùng trồng trọt, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo.

Vừa đi dọc Sê Pôn đến chỗ nước cạn, nơi cư dân hai bản thường qua lại thăm thân trong những ngày trước dịch Covid-19, ông Hồ Văn Thảo, Trưởng bản Ka Túp (Việt Nam) vừa nói: “Hai bản đã có quan hệ mật thiết từ lâu lắm rồi, hồi tôi còn nhỏ đã thấy cư dân hai bên qua lại thân thiết với nhau. Đến năm 2006, hai bản (Ka Túp Việt Nam và Ka Túp Lào) chính thức kết nghĩa. Kể từ đó, tình cảm người dân hai bên biên giới càng thắm thiết hơn”.

Một góc bản Ka Túp (Việt Nam) của người Bru Vân Kiều bên dòng Sê Pôn đang tiếp tục đổi mới và phát triển
Một góc bản Ka Túp (Việt Nam) của người Bru Vân Kiều bên dòng Sê Pôn đang tiếp tục đổi mới và phát triển

Bản Ka Túp (Việt Nam) có 77 hộ dân, trong đó phần đông là người Bru Vân Kiều. Bên kia Sê Pôn, bản Ka Túp (Lào) cũng chủ yếu là người Bru Vân Kiều. Và từ đây cư dân hai bên dòng Sê Pôn thơ mộng, đã có không ít đôi trai gái thành vợ thành chồng. Như chuyện của anh Hồ Văn Lữ, bản Ka Túp (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa).

Chuyện là, gia đình anh Lữ sang bản bạn mượt đất để trồng chuối, trong quá trình canh tác đã nảy sinh tình cảm với cô gái ở bản Ka Túp (Savannakhet, Lào), hai người đã nên duyên chồng vợ. Kể từ đó, gia đình anh Hồ Văn Lữ thường xuyên qua lại với bên nước bạn Lào cùng giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ biên giới ổn định.

Từ những việc kết nghĩa bản với bản, sản xuất chung và chia sẻ lương thực với nhau những lúc giáp hạt… Không chỉ vợ chồng anh Lữ mà nhiều đôi trai gái khác ở hai bên dòng Sê Pôn cũng đã thành đôi, thành lứa, nên duyên chồng vợ.

Thắt chặt “tình sâu”

Chỉ tay về phía bên kia dòng sông, Trưởng bản Hồ Văn Thảo cười hiền rồi nói: Nếu không có dịch, tôi cùng nhà báo “xuất ngoại” sang bên kia sông thăm những người anh em chúng tôi. Dịp lễ, tết, chúng tôi tổ chức sang thăm hỏi tình hình đời sống của những người anh em. Còn ngày thường, người dân hai bản vẫn làm lúa rẫy, trồng chuối chung. Hầu như ở bản này, ai cũng có trồng lúa, chuối bên bản bạn. Người Bru Vân Kiều ở bản bạn cho mượn để canh tác, cùng nhau phát triển kinh tế.

Ngoài ra, do cơ sở y tế của các cụm bản Ka Túp (Lào) còn hạn chế, người dân được tạo điều kiện sang khám chữa ở các cơ sở y tế Quảng Trị và các trạm quân dân y kết hợp của BĐBP Quảng Trị. Hay mỗi khi giáp hạt, người dân không ngại ngần chia sẻ lương thực, thực phẩm.

Từ ngày bản kết nghĩa với bản, bà con hai bên càng thể hiện hơn trách nhiệm chia sẻ thông tin, cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc Quốc gia, xây dựng một đường biên hữu nghị, đoàn kết. 

Hai bên dòng Sê Pôn, những người Bru Vân Kiều vẫn đang tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển
Hai bên dòng Sê Pôn, những người Bru Vân Kiều vẫn đang tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch thị trấn Lao Bảo khẳng định: Từ kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới, đã tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Nhất là, góp phần củng cố, phát triển bền vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đặc biệt Việt Nam - Lào. Nhân dân hai bên biên giới đã nâng cao ý thức về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Vì người dân đã hiểu rõ, biên giới có hòa bình, yên ổn, cuộc sống người dân mới thoát khổ nghèo, mới có cơ hội hợp tác để cùng phát triển.

Không chỉ có Ka Túp, trên tuyến biên giới Việt- Lào địa phận huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mà còn rất nhiều cặp bản kết nghĩa như Ka Tăng (Hướng Hóa, Quảng Trị) với bản Đen Sa Vẳn (Sê Pôn, tỉnh Savannakhet); bản A Ho (Hướng Hóa, Quảng Trị) và bản Đenvilay (Mường Noòng, tỉnh Savannakhet)…

Từ những cặp kết nghĩa này, phong trào kết nghĩa bản - bản đã nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Điều này, đã tô thắm tình hữu nghị với các quốc gia láng giềng; ngăn chặn các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để chống phá đường lối, chính sách, tình đoàn kết hữu nghị của hai Đảng, hai Nhà nước,  từ đó góp phần giữ vững an ninh biên giới, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thông tin từ Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản - bản”. Đến nay, cả nước có 21/25 tỉnh biên giới đất liền tổ chức ký kết nghĩa cụm dân cư biên giới được 207 cặp (tuyến Việt Nam - Trung Quốc 59 cặp, Việt Nam - Lào 103 cặp, Việt Nam - Camphuchia 45 cặp).

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.