Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Lớp học đặc biệt của cô giáo Chu Liên nơi vùng cao Suối Giàng

Trương Vui - 18:43, 22/05/2023

Nhắc đến Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), người ta không quên nhắc đến một lớp học đặc biệt. Khi màn đêm buông xuống, đó cũng là lúc lớp học đặc biệt này lại sáng đèn đón các em nhỏ. Ánh sáng từ lớp học, tiếng giảng bài, tiếng bập bẹ đánh vần, tập đọc xen lẫn những tràng cười giòn tan của cả cô và trò tạo nên những thanh âm vang vọng khắp vùng cao.

Các hoạt động, môn học phong phú kết hợp với cách giảng dạy sáng tạo, độc đáo khiếp lớp học đặc biệt này luôn sôi động, vui vẻ
Các hoạt động, môn học phong phú kết hợp với cách giảng dạy sáng tạo, độc đáo khiến lớp học đặc biệt này luôn sôi động, vui vẻ

“Mình mở lớp học này vì tình yêu với vùng chè cổ thụ Suối Giàng”

Cô giáo Chu Thị Tú Liên (dân tộc Ngái), hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, chính là người đã có ý tưởng mở lớp học đặc biệt này.

Tháng 4/2021, thực hiện nhiệm vụ tham gia viết sách giáo dục văn hóa địa phương của tỉnh, cô Liên chọn Suối Giàng để tìm hiểu, lấy tư liệu, vì theo cô, nơi này hội tụ đầy đủ tất cả những yếu tố bản sắc nhất của cộng đồng người Mông.

“Chuyến đi tìm hiểu thực tế đó thật sự đã cho mình nhiều kỷ niệm. Không khí, phong cảnh là một phần thôi, cái làm mình yêu nơi này nhất là sự chất phác, thật thà, nồng hậu của bà con địa phương. Suối Giàng cho mình cảm giác quê hương, thân thuộc lắm”, cô Liên chia sẻ.

Và cũng chính từ những ngày tháng ở vùng cao, cô Liên không khỏi trăn trở về vấn đề học tập của học sinh nơi đây. Ở Suối Giàng, hầu như về nhà là các con không dành thời gian học nên gần như quên bài hết. Điều này khiến cô suy nghĩ, làm sao để vừa rèn thói quen học bài sau mỗi giờ học trên lớp, vừa gợi hứng thú tự học cho các con.

Để làm được điều đó, cô Liên dành nhiều tâm huyết vào việc thiết kế giáo án cho từng bài học. “Mình vẫn gọi vui đây là giáo án đặc biệt của “bà Liên”. Ở đó, nhiều môn học được tích hợp, từ kỹ năng sống đến tiếng Mông, tiếng Việt, tiếng Anh và cả những môn học về văn hóa dân tộc Mông”, cô Liên vui vẻ chia sẻ.

Vì tình yêu với mảnh đất, con người nơi đây, cô Liên mong muốn có thể góp sức mình bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, đóng góp vào sự phát triển của Suối Giàng
Vì tình yêu với mảnh đất, con người nơi đây, cô Liên mong muốn có thể góp sức mình bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, đóng góp vào sự phát triển của Suối Giàng

Ngoài thiết kế nội dung giảng dạy, cách thức giảng dạy cũng được cô Liên chú trọng. Trong suốt quá trình hoạt động, lớp học của cô luôn được lồng ghép với các bài hát múa, các trò chơi dân gian, giảng dạy kết hợp trao đổi, trò chuyện, giúp các con cũng dễ dàng tiếp cận, lĩnh hội kiến thức.

“Lớp học này mình mở hoàn toàn miễn phí, chỉ vì yêu mảnh đất, con người Suối Giàng. Cũng là một người DTTS, hơn ai hết mình hiểu sự thiệt thòi của trẻ em vùng cao. Sau này có điều kiện hơn, mình sẽ mở thêm các lớp học nữa, để các con ở đây đều được tham gia học tập. Cố gắng đến khi nào Suối Giàng không cần đến mình nữa thì thôi”, cô Liên cười bộc bạch.

Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Chính từ những sáng tạo, đổi mới trong nội dung và phương thức giảng dạy, lớp học “bà Liên” tự bao giờ đã trở thành điểm hẹn mang lại nhiều bất ngờ, thú vị. Để chỉ nhắc đến lớp học, nhắc đến bà giáo Liên, người dân Suối Giàng lại nhớ ngay đến những âm thanh rộn ràng, vui vẻ, sôi động cả vùng cao.

Và cũng bởi điều đó mà không có gì lạ khi lớp học này lại có “sức hút” đặc biệt đến thế. Danh sách đăng ký học ngày một nhiều, có buổi, lớp học “quá tải” với gần 60 học sinh, không đủ cả chỗ ngồi cho các con.

Cũng bởi những hoạt động phong phú, cách giảng dạy sáng tạo mà mỗi buổi học luôn có những điều thú vị, khơi hứng thú học tập cho học sinh
Cũng bởi những hoạt động phong phú, cách giảng dạy sáng tạo mà mỗi buổi học luôn có những điều thú vị, khơi hứng thú học tập cho học sinh

Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian gắn bó với lớp học, cô Liên nhận ra nhiều bất cập trong việc ổn định số lượng học sinh. Vì nhiều lý do, tình trạng nghỉ học không phải là hiếm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức, sự tự giác của các con, mà còn làm gián đoạn quá trình tiếp thu kiến thức. Muốn lớp học ổn định và đạt được hiệu quả, thì cần phải thay đổi nhận thức của chính các con.

Thừa nhận đây là việc làm không hề đơn giản, bởi phần là do nhận thức, song phần lớn do nếp nghĩ, cách làm đã hình thành từ lâu. Muốn thay đổi cần sự kiên trì rất lớn, “nhưng mình không làm thì sẽ không thể thay đổi được”, nghĩ vậy, cô Liên quyết định mời bố mẹ các con đến, thống nhất nội dung quản lý lớp học.

Điều mà cô đặc biệt chú trọng là bố mẹ phải nắm bắt giờ học, ngày học, nội dung học của các con. Khi có lý do cần nghỉ học, bố mẹ phải báo lại cho cô. Trường hợp nghỉ quá 3 buổi, các con sẽ được sắp xếp theo học lớp sau, vừa để không bỡ ngỡ khi bị hổng kiến thức, vừa tạo nhận thức để mỗi học sinh có ý thức học tập.

“Vẫn với tiêu chí xây dựng lớp học với sự thoải mái nhất có thể. Nhưng mình cũng nghiêm túc lắm, trường ra trường, lớp vẫn phải ra lớp. Ý thức sẽ là nền tảng quan trọng cho các con, không chỉ ở lớp học này, mà còn cả tương lai sau này. Nhờ đó, từ tháng 2/2022 đến nay, mình duy trì lớp học ổn định với 32 học sinh. Các con đều rất có ý thức tham gia học tập. Và cả các bác phụ huynh, giờ đây cũng rất phối hợp với lớp học”, cô Liên tự hào.

Những buổi học Tiếng Anh trực tuyến của lớp học với cô giáo ở Nghĩa Lộ
Những buổi học Tiếng Anh trực tuyến của lớp học

Tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng 

Văn hóa dân tộc và tiếng Anh là hai nội dung được cô Liên chú trọng nhất. “Mục tiêu mình hướng đến là giúp các con trở thành những hướng dẫn viên du lịch, có thể tự tin quảng bá văn hóa dân tộc mình với du khách nước ngoài. Đặc biệt là trong lúc Suối Giàng đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng như hiện nay. Đây cũng là cách hay để chính các con thêm trân trọng, và có ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình”, cô Liên cho hay.

Cô Liên hiện đang là thành viên của Hội Bảo tồn tri thức địa phương của thị xã Nghĩa Lộ, hơn ai hết, cô hiểu rằng, trong sự hòa nhập chung, nét đẹp văn hóa của đồng bào các DTTS nói chung và dân tộc Mông nói riêng cần phải được bảo tồn, gìn giữ. Chính vì thế, cô Liên còn trực tiếp mời cả các nghệ nhân truyền dạy những tri thức về văn hóa đặc sắc của người Mông cho chính các em nhỏ tại đây.

Cùng với đó, việc kết hợp giảng dạy Tiếng Anh cũng được ưu tiên. “Mình hiểu muốn phát triển du lịch, quảng bá văn hóa đặc trưng đến đông đảo du khách thì ngôn ngữ là điều tiên quyết. Hy vọng rằng, từ lớp học này, các con sẽ tự tin đón tiếp những vị khách nước ngoài ghé thăm Suối Giàng”, cô Liên nhấn mạnh.

Các hoạt động giao lưu do cô Liên tổ chức giúp các con tự tin, cởi mở, cải thiện kỹ năng giao tiếp. Theo cô Liên, đây chính là nền tảng quan trọng để chính các con sẽ là những hướng dẫn viên, là chủ nhân tương lai của Suối Giàng, quảng bá, giới thiệu văn hóa độc đáo của đồng bào Mông đến du khách
Các hoạt động giao lưu do cô Liên tổ chức giúp các con tự tin, cởi mở, cải thiện kỹ năng giao tiếp

Ngoài việc được giảng dạy trực tiếp bởi một số bạn trẻ giỏi tiếng Anh đang làm du lịch ở Suối Giàng, phần lớn việc học Tiếng Anh của các con được giảng dạy trực tuyến bởi các cô giáo ở Nghĩa Lộ. Hàng tuần sẽ có các buổi trò chuyện qua Zoom với khách nước ngoài do cô Liên kết nối, hay các buổi học kết hợp với một số trung tâm Anh ngữ, trường Đại học.

Là một trong những người đồng hành cùng lớp học trong giảng dạy tiếng Anh, bạn Hoàng Thanh Hằng (dân tộc Tày) rất vui và tự hào khi được góp một phần nhỏ vào giúp đỡ các em học sinh tại lớp học bà Liên. “Một số bạn nhỏ ở đây còn chưa nói thành thạo tiếng Việt, nên việc giảng dạy ngôn ngữ mới là khó hơn rất nhiều. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, em và tất cả các thầy cô đều cố gắng tạo hứng thú học tập, tránh áp lực cho các bạn. Em mong muốn các bạn có thể giao tiếp được cơ bản với người nước ngoài, để góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa, con người, thiên nhiên Suối Giàng đến du khách quốc tế”, Thanh Hằng bày tỏ.

Cùng với sự nỗ lực không ngừng của bà giáo Chu Liên, của các thầy cô đồng hành, và sự cố gắng của chính các học sinh vùng cao, lớp học đặc biệt này đang góp phần  lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng dân tộc Mông đến với mọi người.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.