Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lớp học đặc biệt “U60”

PV - 16:22, 14/03/2023

Trong 5 tháng qua, ở Tp. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước có một lớp học đặc biệt. Học viên chỉ vỏn vẹn chục người, tuổi từ 50 trở lên. Ở độ tuổi này, họ đã phải vượt qua nhiều trở ngại, mạnh dạn đến đây để có thể biết đọc, biết viết, tiếp thu thêm kiến thức. Lớp học được tổ chức tại Nhà văn hóa khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân vào tối Chủ Nhật hằng tuần.

Vào tối Chủ Nhật hằng tuần, tại Nhà văn hóa khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân (TP. Đồng Xoài) lại vang lên tiếng học chữ của các học viên “đặc biệt”
Vào tối Chủ Nhật hằng tuần, tại Nhà văn hóa khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân (Tp. Đồng Xoài) lại vang lên tiếng học chữ của các học viên “đặc biệt”

Thiệt thòi vì không biết chữ

Có một điểm chung của những phụ nữ tại lớp học này, đó là họ ở nhiều quê hương khác nhau, cùng chọn Đồng Xoài làm nơi lập nghiệp. Ở lứa tuổi đã làm bà nội, bà ngoại, họ buôn bán, tính toán rất giỏi, nói chuyện rất hoạt ngôn, nhưng nếu không nói ra, chẳng ai biết họ không biết chữ. Lý do chung nhất vì điều kiện gia đình, cuộc sống mưu sinh, “tha phương cầu thực”, họ đã không thể đến trường. Bà Mai Thị Huế, học viên lớn tuổi nhất của lớp chia sẻ về lý do của mình: “Hồi mới vào đây, tôi theo anh chị em đi phát nương, làm rẫy rồi cuốn vào công việc, không đi học nên giờ không biết chữ. Không biết chữ khổ lắm, đến cái tên cha mẹ đặt cho cũng không biết viết”.

Ở độ tuổi gần 70, theo sự động viên, kêu gọi của thành viên lớp học, bà Huế mang sách vở đi học. Bỏ qua những lời dị nghị, ánh nhìn không thiện cảm của một số người, bà Huế sắp xếp công việc, đúng 7 giờ tối Chủ Nhật mang vở, viết đến nhà văn hóa để học. Như một học sinh tiểu học, bà Huế học từng chữ a, b, c rồi ghép vần. Hành trình đi học tuy gian nan nhưng với bà Huế đầy niềm vui và hạnh phúc.

Cũng rời quê hương vào Bình Phước lập nghiệp, không biết chữ nên bà Trương Thị Huệ ở phường Tân Xuân chọn công việc bán hàng ăn buổi sáng. Tính toán nhanh nhẹn, công việc buôn bán thuận lợi nhưng với bà, cuộc sống không có nhiều niềm vui do không biết chữ. Bà Huệ cho biết: Biết chữ còn đọc sách báo, hát Karaoke được. Cuộc sống bây giờ hiện đại rồi, không biết chữ thiệt thòi đủ đường, nghĩ là vậy nên tôi sắp xếp công việc để đi học.

Lớp học đặc biệt này do chị em trong Chi hội Phụ nữ khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân tổ chức. Lớp học hoàn toàn miễn phí, sách, vở, viết phục vụ việc học, ngoài do học viên chuẩn bị, còn có sự đồng hành của các mạnh thường quân. Lớp bắt đầu từ 7 - 9 giờ tối, mục tiêu giúp học viên biết viết, đọc hoặc ít nhất phải biết viết và ký tên của mình.

Niềm vui giản đơn

Sau 5 tháng học chữ, đến nay những học sinh đặc biệt này đã biết chữ. Có lẽ nhờ giao tiếp hằng ngày, buôn bán nên việc họ tiếp cận với con chữ cũng nhanh hơn. Những buổi đầu còn tập đọc ê, a theo các tình nguyện viên đứng lớp, nay họ đã viết được một số câu tục ngữ… Vui nhất có lẽ họ biết tên của mình được viết dài, ngắn như thế nào, được ghép từ bao nhiêu chữ… Bà Huệ vui vẻ chia sẻ thêm: Giờ đẩy xe cháo đi bán, gặp cái gì tui cũng đọc, đặc biệt thích đọc tên các biển hiệu quảng cáo, tên trường, cơ quan, đơn vị… Niềm vui đơn giản chỉ vậy!

Chị Nguyễn Thị Ngoan là giáo viên dạy ở lớp học tình thương này. Dù bận rộn với công việc giảng dạy ở Trường THCS Tân Xuân nhưng chị vẫn bố trí thời gian để dạy cho các bác, các cô vào mỗi buổi tối. 5 tháng theo đuổi lớp học, có lẽ đây chính là thời gian để người giáo viên như chị Ngoan có thêm niềm tự hào nho nhỏ của mình. “Nay cuộc sống của các bác, các cô ở lớp học đặc biệt này đã thay đổi nhiều, dễ dàng hơn trong thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng, tham gia hoạt động xã hội... Những niềm vui nhỏ của họ cũng là niềm hạnh phúc lớn của mình khi đã góp phần giúp cuộc sống của họ vui vẻ hơn”, chị Ngoan đúc kết.

Sau 5 tháng miệt mài, các học viên đặc biệt này đã “tốt nghiệp” sau khi hoàn thành một bài kiểm tra. Cuộc sống của họ vẫn thế, bận bịu mưu sinh nhưng giờ đây đầy màu sắc hơn với những niềm vui mới. Đó là được hát Karaoke vào những lúc rảnh rỗi, đọc được bảng tên, bảng hiệu, đọc được tất cả trong tầm mắt của mình. Hơn hết, dù nét chữ còn thô vụng nhưng việc tự viết được tên của mình mà cha mẹ đặt cho cũng là điều khác biệt.

Hạnh phúc của người gieo chữ và người học chữ đơn giản chỉ như thế…

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.