Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lớp học online ở bản Rào Tre

PV - 15:02, 02/10/2021

Ngay sau ngày khai giảng, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Giàng (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã đến tận bản, vào từng nhà hỗ trợ các em học trực tuyến, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Nhờ đó, những cô cậu học trò người Chứt vốn nhút nhát nay tự tin vào “room” cùng các bạn.

Lớp học trực tuyến tại Tổ công tác biên phòng Rào Tre (Đồn biên phòng Bản Giàng – huyện Hương Khê).
Lớp học trực tuyến tại Tổ công tác biên phòng Rào Tre (Đồn biên phòng Bản Giàng – huyện Hương Khê).

Lớp học đặc biệt

Năm học này, Hồ Thị Trang vào lớp 6. Đúng lịch, Trang sẽ cùng với 13 bạn trong bản Rào Tre ra học nội trú tại Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (huyện Hương Khê). Thế nhưng, do dịch bệnh Covid-19, chuyến đi học xa nhà đầu tiên của Trang đành gác lại.

Sau lễ khai giảng qua truyền hình, Trang được các chú bộ đội biên phòng tại Tổ công tác biên phòng Rào Tre (Đồn biên phòng Bản Giàng) đưa đến học online ngay tại trạm. Đó cũng là ngôi nhà thứ 2 của Trang kể từ khi em được các chú bộ đội biên phòng nhận làm con nuôi. Ngoài Trang còn có thêm 3 anh chị cũng là con em đồng bào Chứt được bộ đội biên phòng nhận nuôi.

Từ xưa, việc học với bà con người Chứt vốn đã lạ lẫm nay học qua điện thoại, tivi càng thêm xa lạ. Ấy vậy mà chỉ sau ít ngày được thầy cô và các chú bộ đội biên phòng hướng dẫn, Trang đã biết mở máy điện thoại, vào phần mềm Zoom để học trực tuyến cùng các bạn.

“Cái điện thoại cũng lạ quá, chưa bao giờ em được cầm dùng thử thế nào. Ở nhà bố mẹ em chỉ có điện thoại không có màn hình to thế đâu. Nhưng lên đây em được các chú bộ đội biên phòng cho mượn điện thoại, hướng dẫn cách dùng. Giờ em biết mở điện thoại vào zoom học bài cùng các bạn rồi”, Trang vui vẻ khoe chiếc điện thoại thông minh trên tay.

Em Hồ Thị Trang (lớp 6), 1 trong 4 con nuôi của Đồn biên phòng Bản Giàng. Ảnh: TG
Em Hồ Thị Trang (lớp 6), 1 trong 4 con nuôi của Đồn biên phòng Bản Giàng. Ảnh: TG

Lớp học online của Đồn biên phòng Bản Giàng được bố trí ngay tại Tổ công tác biên phòng tại Rào Tre (xã Hương Lâm, huyện Hương Khê) với diện tích khoảng 20m2. Trong phòng được trang bị máy tính, đường truyền, bàn ghế… để bảo đảm việc học online của các em diễn ra thuận lợi. Trung tá Nguyễn Văn Thiên, cán bộ tăng cường tại bản Rào Tre được phân công nhiệm vụ phụ trách lớp học trực tuyến.

Dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm thầy giáo nhưng với Trung tá Thiên đây là lần đầu tiên đứng lớp trực tuyến.

“Lực lượng biên phòng chủ yếu hỗ trợ thiết bị và hướng dẫn, đôn đốc các em trong việc học. Còn chuyên môn đã có giáo viên Trường THCS – THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cắt cử xuống dạy những ngày đầu cho các em.

Tuy nhiên, tôi vẫn thường xuyên vào các trang mạng về giáo dục để tìm hiểu thêm kiến thức của các khối lớp. Trong quá trình phụ trách lớp, có gì các em không hiểu có thể hỗ trợ thêm”, Trung tá Thiên cho hay.

Cùng với bộ đội biên phòng, hàng ngày Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đã phân công giáo viên vào tận bản hướng dẫn học trực tuyến cho các em.

“Học trực tuyến với học sinh vùng xuôi vốn đã khó khăn, với học sinh dân tộc thiểu số càng vất vả hơn. Bởi các em ít được tiếp xúc với phương tiện, máy móc hiện đại, đường truyền đôi lúc lại chập chờn. Có khi hướng dẫn hôm nay nhưng ngày mai các em lại quên mật khẩu, cách vào phần mềm.

Những ngày đầu cùng với bộ đội biên phòng, chúng tôi phải theo sát để hỗ trợ các em. Dù vất vả nhưng chúng tôi luôn xác định sẽ cố gắng để các em có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất”, thầy Đặng Bá Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết.

Bộ đội biên phòng đến tận nhà đôn đốc học sinh người Chứt học online.
Bộ đội biên phòng đến tận nhà đôn đốc học sinh người Chứt học online.

Đến bản gọi các em học bài

Ngoài việc hỗ trợ việc học online cho các “con nuôi” tại đồn, bộ đội biên phòng còn đến tận nhà để đốc thúc học sinh của bản Rào Tre lên mạng học đúng giờ, hòa vào không khí năm học mới.

Theo Trung tá Thiên, nhà trường thống nhất dạy học các em vào 14 giờ hàng ngày từ thứ 2 - 6. Trước mỗi buổi học 30 phút, bộ đội biên phòng sẽ đến nhà dân để gọi các em bật máy điện thoại để tránh muộn giờ. Ngoài ra, trong lúc chuẩn bị buổi học trực tuyến, nếu các em có trục trặc về đường truyền hay quên mật khẩu, vào phần mềm sai cách, bộ đội biên phòng cũng chủ động giúp các em giải quyết. Tránh việc chậm giờ lên lớp, ảnh hưởng đến kiến thức.

“Bên cạnh đó, triển khai học online cũng xuất hiện những mặt tiêu cực như các em vào mạng chơi game, vào các trang không lành mạnh. Ngoài việc kiểm soát, chúng tôi phải thường xuyên trò chuyện, thuyết phục, gần gũi với các em để có ý thức hơn trong việc sử dụng mạng xã hội”, Trung tá Thiên trăn trở.

Năm học 2021 - 2022, Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh có 246 học sinh, trong đó có 14 học sinh người Chứt tại bản Rào Tre. Để học sinh có điều kiện mua sắm trang thiết bị, nhà trường đã tổ chức cấp phát học bổng theo chế độ với mức 1 triệu đồng/em về tận nhà cho học sinh. Đối với học sinh lớp 6, nhà trường tạm thời cho ứng trước học bổng để gia đình có thêm nguồn mua thiết bị học trực tuyến.

“Đầu năm học, chúng tôi phân công giáo viên chủ nhiệm đến tận bản, tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có phương án gỡ khó phù hợp trước khi năm học mới bắt đầu. Bên cạnh đó, nhờ sự đồng hành của bộ đội biên phòng việc triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua thuận lợi hơn”, thầy Đặng Bá Hải chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.