Cụ thể, huyện Lục Yên đã hỗ trợ cho 35 hồ sơ thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng, bảo đảm quy định với kinh phí 706 triệu đồng; hỗ trợ 1 hồ sơ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể với kinh phí đã cấp 45 triệu đồng (lớp truyền dạy hát khắp cọi của dân tộc Tày xã Mường Lai); hỗ trợ 1 hồ sơ duy trì, phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch với kinh phí đã cấp 20 triệu đồng (Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi).
Hàng năm, UBND huyện Lục Yên đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát kỹ, lập hồ sơ đề nghị các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách...
Lục Yên là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Huyện có trên 83% đồng bào DTTS sinh sống với nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa; nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh, hang động, thác nước; có nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc trưng... Huyện Lục Yên còn được biết đến là vùng đất Ngọc nơi có phiên chợ đá quý "độc nhất vô nhị" chỉ bán các loại sản phẩm đá quý và chế tác từ đá và cách thức mua bán loại hàng hóa từ tiền trăm tới tiền tỉ cũng thanh bình như bán rau ở chợ truyền thống.
Năm 2023, Lục Yên đã đón 110.080 nghìn lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế 15.500 lượt; doanh thu đạt 94,4 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 800 lao động lĩnh vực du lịch, trong đó, 350 lao động trực tiếp, còn lại là lao động gián tiếp.