Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Lười đọc sách

Hồng Phúc - 09:47, 27/10/2020

Tại “Ngày sách Việt Nam năm 2019”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, qua 30 năm phát triển kinh tế thị trường, tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam ngày càng giảm đi. Nếu như người Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản đọc sách hàng chục giờ mỗi tuần, thì người Việt đọc chưa tới 1 giờ/tuần. Đó là chưa kể tới con số đáng buồn - đáng sợ, với 26% người Việt hoàn toàn không đọc sách.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập”, “học tập suốt đời” trong xã hội hiện đại gắn chặt với văn hóa đọc của xã hội, xuất bản, thế nhưng lại tồn tại nghịch lý người Việt ngày càng thờ ơ với sách. 

Người Việt hiện dành khoảng 2,5 tiếng mỗi ngày trên Facebook, nhiều hơn 1 giờ so với các mạng xã hội khác, gấp đôi thời gian dành để xem tivi và gấp nhiều lần thời gian đọc sách. Thật đáng lo khi mà nhu cầu giải trí ngày càng được chú trọng mà nhu cầu tích lũy tri thức bị xem nhẹ. 

Trên thực tế, chúng ta hiện có rất nhiều cao ốc, trung tâm thương mại, nhà hàng, phòng Gym... nhưng hiếm thấy các thư viện công cộng. Hàng chục năm qua, những giải pháp xây dựng thư viện cộng đồng, giải pháp nâng cao văn hóa đọc vẫn chỉ là... khẩu hiệu” mà đáp án cho văn hóa đọc vẫn không hề nhúc nhích.

Đọc sách có vai trò quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc, bởi sách có tầm quan trọng với con đường phát triển của nhân loại. Việc hình thành và phát triển văn hóa đọc lành mạnh trong mỗi người có ý nghĩa vô cùng to lớn để tập hợp thành một bộ phận sức mạnh “mềm” của một quốc gia. 

Trong xã hội hiện đại như ngày nay, nếu không tiến lên tức là đã đi giật lùi, bởi tri thức đều tăng theo cấp số nhân từng phút, từng giờ. Nếu muốn đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn thì không thể lười đọc sách. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng tổ chức nào, mà còn là ý thức của mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ.