Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Mạo hiểm mót vàng trên lòng hồ thủy điện

Minh Ngọc - 16:54, 04/08/2023

Trong lòng hồ đập thủy điện Đắk Mi 4, hàng chục bóng người cặm cụi đào xới, đãi vàng dưới lòng hồ thủy điện. Những khuôn mặt vàng võ, nghèo khó bỏ rừng rẫy ngày ngày bì bõm dưới dòng nước để mong kiếm miếng cơm qua ngày.

Người dân dầm mình đãi vàng dưới lòng hồ thủy điện Đắk Mil 4
Người dân dầm mình đãi vàng dưới lòng hồ thủy điện Đắk Mil 4

Những ngày gần đây, tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) có một lượng vàng sa khoáng đổ về theo dòng nước nên hàng chục người dân ở các xã rủ nhau ra lòng hồ thủy điện đãi vàng. Trong một khu vực lòng hồ rộng chừng 300m và dài hơn 2km. Hàng chục bóng người cặm cụi đào xới, đãi vàng giữa cái nắng bỏng rát mùa Hè.

Những người mót vàng tại đây hầu hết đều là người Ca Dong ở địa phương này, họ lập thành nhóm từ 3 - 4 người mang những vật dụng hết sức thô sơ như máng, mâm, xẻng, xô nhựa, rổ, bát... để đãi vàng ngay trên dòng nước.

(BÁO IN THÊM ẢNH CHƯA BT CHÚ THÍCH) Mạo hiểm mót vàng trên lòng hồ thủy điện 1

Một phụ nữ dừng tay chao chiếc chảo to đùng chia sẻ: “Nhà tui dưới kia, vì khổ quá mới phải đến đây. Làm quần quật từ sáng đến tối, ăn cơm với mắm và cá khô, ngày cũng chỉ kiếm được vài chục đến hơn trăm ngàn. Nếu may mắn thì được còn không thì cả ngày cũng trắng tay!”.

Giữa lòng sông chang chang nắng, những người đàn ông xúc cát, sỏi ở lòng hồ đổ lên rổ nhựa, phía dưới là những người phụ nữ dùng dụng cụ thô sơ đãi vàng. Nước đẩy cát trôi, vàng nằm lại tấm vải và thảm nhựa, ở trong rổ. Những xẻng đất, đá lổn nhổn xúc lên, lắc qua lắc lại, chỉ còn lại từng hạt nhỏ xíu. Và nếu có một chút ánh vàng trong đó, mắt họ sáng lên.

Những phu vàng đều đeo khẩu trang kín mặt, vận trên người hai ba lớp áo tay dài, quần ống rộng trần mình dưới nước. Cứ khoảng nửa tiếng, họ lại phải tạm dừng công việc để vén tay áo vệt vội những giọt mồ hôi vã ra như tấm. Gương mặt ai đều hốc hác, phờ phạc.

Đa số người dân đãi vàng dưới lòng hồ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn
Đa số người dân đãi vàng dưới lòng hồ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn

Giữa không gian rộng lớn chỉ thấy bóng những con người khốn khổ lặng lẽ mót vàng ở đáy sông. Nhìn từ xa, bóng họ nhỏ xíu như một dấu chấm giữa bạt ngàn núi sông. Đồ nghề của họ chẳng có gì, ai tận dụng được gì cứ tận dụng. Chị Hồ Thị Ng. (38 tuổi, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn bảo, chị cùng đứa con ra đây ngày ngày lắc chảo đào đãi, kiếm vài chục ngàn mua gạo, mắm qua ngày.

Việc đãi vàng khá vất vả khi phải thường xuyên ngâm mình trong nước nhiều tiếng đồng hồ
Việc đãi vàng khá vất vả khi phải thường xuyên ngâm mình trong nước nhiều tiếng đồng hồ

Tôi nhìn lên phía thượng nguồn, chợt tê tái khi nghĩ đến cảnh nước lũ tràn về. Hàng chục con người đang cặm cụi mót vàng dưới lòng sông này liệu có chạy kịp?

Chị Ngà cười: “Thì đành vậy. Thủy điện họ xả lũ họ có bắc loa thông báo, mình chịu khó nghe loa thôi. Nghe họ xả lũ thì mình không xuống sông đãi vàng nữa. Họ hết xả thì mình lại xuống. Ngày nào xả lũ coi như ngày đó đói!”.

(BÁO IN THÊM ẢNH CHƯA BT CHÚ THÍCH) Mạo hiểm mót vàng trên lòng hồ thủy điện 4

Từng ngày từng ngày, những con người ấy vẫn cặm cụi bì bõm ở đáy sông. Từng tốp người tiều tụy cặm cụi đào đãi những rổ đất to để kiếm chút vàng cho một ngày. Chị Ngà bảo, tiền vàng chẳng thấy đâu, chỉ thấy bạc mặt bệnh tật. Hồi còn sức thì làm quần quật suốt ngày. Với những người phụ nữ mót vàng này, miệng lở, mắt loét, chân, tay bị nước ăn là điều bình thường. Còn đứt tay, chảy máu, cảm sốt do dầm mưa là chuyện “cơm bữa”.

Thu nhập từ việc việc đãi vàng nếu may mắn thì được 300.000 đồng, còn ngày thường khoảng 100.000 đồng
Thu nhập từ việc việc đãi vàng nếu may mắn thì được 300.000 đồng/ngày, còn thông thường khoảng 100.000 đồng/ngày

Thật khó mà kể xiết tỉnh Quảng Nam có bao nhiêu bãi vàng có phép và cả không phép. Vì giấc mơ vàng mà không biết bao nhiêu người đã bỏ nhà, bỏ cửa, vùi thân mình vào chốn rừng hoang với mơ ước đổi đời. Nhưng rồi sự đổi đời chưa kịp thấy, họ đã phải nằm lại nơi đầu sông ngọn suối hoang vu. Ông Hồ Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, việc người dân ra hồ thủy điện đãi vàng là trái phép, địa phương cũng có tổ chức nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần truy quét nhằm hạn chế tình trạng đãi vàng trái phép và trực tiếp giao cho các lực lượng chức năng vận động, tuyên truyền người dân.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.