Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Khi làng xã cần, đất vàng cũng hiến

T.Nhân - 12:16, 30/06/2023

Từng tấc đất thấm đẫm mồ hôi khai hoang, cải tạo thành đất sản xuất. Vậy mà, nhiều gia đình ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đã không ngần ngại, hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, góp phần cho bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh thêm phần khởi sắc.

Nhờ người dân đồng thuận hiến đất, nhiều địa phương miền núi đã xây dựng đường giao thông nông thôn xạch đẹp
Nhờ người dân đồng thuận hiến đất, nhiều địa phương miền núi đã có những con đường giao thông nông thôn sạch đẹp

Thời gian gần đây, phong trào hiến đất để mở đường, làm các công trình phục vụ dân sinh đang được người dân miền núi Quảng Ngãi hưởng ứng nhiệt tình. Với họ, mỗi một mét đất cho đi, là cả một sự hãnh diện vì đã  làm được một  việc có ý nghĩa cho cộng đồng. 

Tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, nhờ công tác dân vận hiệu quả đã tạo sức lan tỏa lớn và gần như 100% người dân trên địa bàn xã có đất nằm trong vùng quy hoạch xây dựng hạ tầng đều đồng thuận hiến đất. Nhờ đó, xã mới có điều kiện để xây dựng mới gần 8km đường bê tông nông thôn, mở mới gần 10km đường vào khu sản xuất, mở rộng trường học, trạm y tế… tao diện mạo mới cho địa phương.

Giao thông ở xã miền núi Sơn Bua, huyện Sơn Tây cũng  trở nên thông thoáng và liên hoàn nhờ sự đóng góp rất lớn của người dân địa phương trong việc hiến đất mở đường. Như gia đình ông Đinh Văn Chơi đã hiến mảnh đất rộng hơn 400 m2 để mở đường lớn vào làng. 

Hay tin ông Chơi đồng ý hiến đất, chính quyền xã Sơn Bua cũng… bất ngờ. Bởi lẽ, nếu mảnh đất này đem bán cũng được gần 200 triệu đồng, số tiền rất lớn đối với người dân miền núi. Ông Chơi chia sẻ: Làm việc có ích cho bà con, cho sự phát triển của quê hương thì mình không tiếc gì cả. Giờ xe cộ chạy tấp nập, mình thấy vui lắm.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua Cao Văn Chung cho hay, khi xã bắt đầu tính chuyện xây dựng nông thôn mới, bàn bạc điều gì cũng thông. Riêng, chuyện làm đường giao thông thì gặp khó. Vì muốn làm đường phải giải phóng mặt bằng, nhưng xã không có kinh phí bồi thường. 

“Bàn tới bàn lui cuối cùng cả xã quyết định… cán bộ làm trước. Đầu tiên là lãnh đạo xã, tiếp đến là cán bộ thôn, xóm và sau đó đến đảng viên để làm gương. Từ đó, người dân trong xã nhiệt tình hiến đất mở đường. Cao điểm là vào năm 2019, khi cả xã có 59 hộ dân hiến hàng chục nghìn m2 đất để làm đường, xây trường”, ông Chung chia sẻ.

Cứ thế, phong trào hiến đất mở đường ở Sơn Bua đã tạo luồng gió mới thổi vào từng góc làng, ngõ xóm nơi rẻo cao này và người dân đồng thuận làm theo. Khi mọi thứ hanh thông, thì đường nhỏ mở to ra, ngõ xóm được nâng cấp thành đường. Nhờ đó, sau 5 năm vận động xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Sơn Bua đã tiếp nhận hàng chục nghìn m2 đất của hơn 200 hộ dân hiến để mở đường, xây trường, trạm.

Còn tại huyện miền núi Minh Long, phong trào hiến đất cũng lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân, giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu quan trọng. Đến nay, huyện đã có 2 xã Long Sơn và Thanh An cán đích nông thôn mới. Góp vào thành quả này là nhờ sự chung sức, chung lòng tình nguyện hiến đất của bà con để mở rộng đường làng, xây dựng nhà văn hóa thôn…

Người dân miền núi không chỉ hiến đất làm đường mà còn hiến đất để xây dựng các công trình địa phương
Ngoài hiến đất làm đường, nhiều hộ còn hiến đất để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh

Về xã nông thôn mới Thanh An hôm nay, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ nét của một địa phương miền núi vốn rất khó khăn nhưng nay, đường giao thông đã được nâng cấp từ 1 - 2 m lên đến 5 - 6 m và bê tông cứng hóa, sạch đẹp không còn cảnh lầy lội vào ngày mưa, bụi mù vào ngày nắng như xưa. 

Ông Đinh Bía, cựu chiến binh ở xã Thanh An, phấn khởi cho biết: Trước đây, đường nhỏ, hẹp khiến cho việc đi lại rất khó khăn. Mỗi khi vào vụ sản xuất hay thu hoạch, nhìn bà con trong thôn phải gánh vật tư hay sản phẩm trên đoạn đường trơn trượt, rất nguy hiểm. Khi chính quyền vận động hiến đất để làm đường, vợ chồng tôi đồng ý ngay. 

“Mình nghèo thì cũng nghèo rồi, việc mở rộng đường, giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận lợi là điều rất cần thiết. Nhà nước hỗ trợ tiền nhưng tôi không nhận. Nhà nước làm đường cho con cháu mình đi học, dân mình đi lại thuận lợi chứ có phải làm cho ai đâu”, ông Bía bộc bạch.

Một địa phương khác cũng có bộ mặt thay đổi nhờ phong trào hiến đất làm đường là thôn Trà Ót, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng. Từ một thôn nghèo, không có đường giao thông kiên cố, giờ đây đường đi lại tương đối thuận lợi. 

Ông Hồ Minh Sơn - Người có uy tín ở thôn Trà Ót cho hay: Con đường này dài hơn 3 km, được đầu tư từ nguồn vốn 135 cách đây 3 năm. Con đường này là mơ ước của dân làng. Muốn mở đường thì phải giải phóng mặt bằng, nhưng ban đầu vận động người dân hiến đất là rất khó. Nhờ kiên trì vận động, giải thích cho họ biết, có đường rộng hàng hóa dễ mua bán, con cháu sau này cũng được hưởng lợi. Thế là họ đồng thuận, ai cũng vui vẻ hiến đất. Riêng gia đình tôi cũng hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường.

Có thể nói, phong trào hiến đất đã tạo nên hình ảnh đẹp về tinh thần cộng đồng trách nhiệm, thắt chặt hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ giữa người dân với chính quyền. Những công trình mới, con đường mới ở miền núi được xây lên từ sự đồng lòng của Nhân dân đang dài thêm mỗi ngày. Điều này không chỉ là động lực để địa phương phát triển mà trong lòng mỗi người dân, họ cảm thấy tự hào vì mình đã góp phần vào xây dựng quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.