Theo đó, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô được tổ chức nhằm góp phần khơi dậy ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, giới thiệu quảng bá về giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc, trong đó có đồng bào dân tộc Lô Lô.
Đây còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các hoạt động của Ngày hội cũng được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn tốt đẹp đối với Nhân dân và du khách, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch địa phương.
Đến với Ngày hội, du khách được hòa mình vào không khí sôi động, tham gia trải nghiệm các hoạt động như: Trình diễn múa trống đồng, kéo nhị, nhảy sạp, nhảy lửa; lễ cầu mưa, lễ rửa làng; thi kỹ thuật công đoạn thêu, ghép các hoa văn của dân tộc Lô Lô. Ngoài ra, còn có các hoạt động trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực…
Dân tộc Lô Lô ở huyện Mèo Vạc có khoảng 200 hộ với gần 1.000 khẩu, chủ yếu sinh sống tại xã Xín Cái và thị trấn Mèo Vạc. Tuy chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng người Lô Lô nơi đây lại có bề dày lịch sử và tín ngưỡng, văn hóa dân gian độc đáo.
Ngoài nét độc đáo về trang phục, người Lô Lô ở Mèo Vạc còn lưu giữ và duy trì nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội cầu mưa, Lễ mừng ngô mới, nhà mới, lễ cưới, các điệu múa trống, múa dân gian và các trò chơi truyền thống. Nổi bật trong đó là lễ cầu mưa, với những nghi thức đặc sắc, độc đáo được lưu truyền từ đời này đến đời khác; đây không chỉ là sự kiện mang tính tín ngưỡng mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, bàn chuyện làm ăn, cầu may, bày tỏ lòng thành kính với đất trời, trai gái giao duyên...
Bên cạnh đó, những điệu múa của các cô gái người Lô Lô có thể khiến bất cứ du khách nào cũng phải say lòng. Điệu múa của họ có sự kết hợp giữa hình thể và biểu cảm, hòa quyện giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo nên các vũ điệu đầy sức sống.