Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Miền Trà Lân xưa và nay

Thanh Nguyễn - 11:24, 21/09/2021

Trà Lân xưa hừng hực khí thế “trúc chẻ tro bay”. Còn Trà Lân hôm nay (thuộc hai huyện Con Cuông và Anh Sơn), đang trở mình thành vùng kinh tế quan trọng ở phía Tây của Nghệ An. Nơi đây, nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nơi bản làng thâm sơn đã hiện hữu; những sản phẩm OCOP cũng đã khẳng định vị thế trên thị trường… Một Trà Lân đang từng ngày đổi thay.


Một góc thị trấn huyện Anh Sơn ngày nay
Một góc thị trấn huyện Anh Sơn ngày nay

Trà Lân xưa...

Thành Trà Lân bây giờ đã hoang phế, nằm trên địa bàn xã Bồng Khê, cách huyện lỵ Con Cuông hơn 2km. Thành được xây dựng theo hình chữ V, lưng tựa vào núi, mặt quay ra sông Lam, chung quanh có thành quách, hào sâu yểm trợ, ngoài cùng là một lũy tre gai và nhiều ngọn núi của động Đào Nguyên bảo vệ càng thêm vững chắc. 

Theo sử sách, tướng giặc giữ thành là Cầm Bành, trong thành hàng nghìn quân sĩ bảo vệ, chốt giữ vùng miền tây Nghệ An. Hơn 600 năm trước, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi dấy nghĩa, đánh chiếm thành, làm nên “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Sau khi chiến thắng, Lê Lợi chiêu binh, luyện quân, tập hợp lực lượng. Nghĩa quân dùng vùng xã Thạch Ngàn để luyện voi tập trận, làm căn cứ địa để tiến đánh các vùng khác, giải phóng đất nước.

Theo truyền miệng, nghĩa quân còn có 6 đêm trú quân ở “cửa núi” (Môn Sơn) đã thành tên gọi xã “Lục Dạ” bây giờ. Về “Mường Trong” (Con Cuông), vào nơi có câu ca nổi tiếng “cơm mường Quạ, cá sông Giăng”, vùng đất giáp biên này nền văn minh lúa nước đến sớm với cánh đồng “Kẻ Quạ” và những bản làng người Thái trù phú bên dòng Nậm Khặng (sông Giăng) thơ mộng thao thiết chảy bao đời.

“Miền Trà Lân” còn là nơi cộng cư bao đời của đồng bào Thái, Khơ Mú, Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ). Nơi đây còn có Vườn quốc gia Pù Mát trải dài trên ba huyện: Anh Sơn, Tương Dương và Con Cuông. Trong đó, Con Cuông chiếm diện tích lớn nhất. 

“Pù Mát” theo tiếng Thái có nghĩa là những con dốc cao. Hiện, vườn có diện tích rừng tự nhiên 194.000ha, trong đó vùng lõi 94.000ha và vùng đệm 100.000ha. Pù Mát là một trong những khu bảo tồn sinh học lớn của Việt Nam, với hơn 2.400 loài thực vật, trong đó có 37 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 20 loài trong Sách đỏ thế giới. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú, với hơn 240 loài, trong đó có các loài thú quý hiếm. 

Ở Vườn quốc gia Pù Mát còn có sông Giăng chảy qua vùng lõi, tạo nên những ghềnh, suối và thác nước đẹp hùng vĩ... Khu vực vùng lõi và vùng đệm còn có những bản làng của đồng bào các DTTS, vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc của người Thái, Đan Lai…

Xa xôi, gian khổ, đói nghèo, nhưng Môn Sơn (Con Cuông) lại là nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của đồng bào các DTTS cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng. Đầu năm 1931, Xứ ủy cử đồng chí Lê Xuân Đào đến Môn Sơn gây dựng cơ sở Đảng. Tháng 4/1931, Chi bộ đảng Môn Sơn được thành lập, gồm 5 đảng viên, do ông Vi Văn Khang, một người DTTS làm Bí thư. Chi bộ Đảng đã lãnh đạo đồng bào miền Tây Nghệ An giành chính quyền về tay Nhân dân.

Đồng bào dân tộc Thái ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông làm du lịch cộng đồng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Đồng bào dân tộc Thái ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, khai thác bản sắc văn hóa để làm du lịch cộng đồng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Vươn mình hội  nhập và phát triển

Chúng tôi ngược Quốc lộ 7A từ TP. Vinh lên Con Cuông, Anh Sơn - thủ phủ của “miền Trà Lân” mà thực sự ngỡ ngàng trước sự phát triển và đổi thay ở vùng đất này. Quốc lộ 7A chạy ngoằn ngoèo vắt qua những triền núi bạt ngàn cây nguyên liệu giấy, chè, cam… Thấp thoáng sau màu xanh ấy, là những cột khói, những tháp cao của nhà máy chè, xi măng sừng sững mọc lên.

 Sự phát triển của Con Cuông đã thu hút “ông chủ Mường Thanh” xây dựng khách sạn cùng tổ hợp nhà hàng, siêu thị rất bắt mắt, tạo điểm nhấn cho thị xã Con Cuông trong tương lai. Phía bên kia khách sạn Mường Thanh là Khe Rạn - một bản dân tộc Thái, thuộc xã Bồng Khê. Từ nghèo khó chênh vênh bên những ghềnh đá, nay Khe Rạn đã thay da đổi thịt và có thương hiệu về du lịch cộng đồng (homestay) với các câu lạc bộ cồng chiêng, văn nghệ, những món ăn bản địa hấp dẫn du khách.

Phong trào làm du lịch cộng đồng ở bản Nưa (xã Yên Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn)... đã trở thành một nghề thu nhập khá cho các hộ; đồng thời là một “đặc sản”của phố núi Con Cuông. Người dân bản Xiềng, xã Môn Sơn đã phát huy thế mạnh để hình thành tour du lịch sinh thái, trải nghiệm trên dòng sông Giăng thơ mộng. Nhờ đa dạng ngành nghề, thu nhập bình quân của bà con trong bản đạt 28 - 30 triệu đồng/người/năm.

Tìm hiểu về thế mạnh nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, Con Cuông đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Nhiều sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, như đồ gia dụng bằng tre, cam quả, rượu men lá, trà túi lọc (dây thìa canh, cà gai leo, giảo cổ lam)... Nhiều mô hình chăn nuôi lợn đen, gà đen, cây ăn quả gắn với du lịch trải nghiệm ngày càng phát huy hiệu quả cao. 

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng cho biết: Thu nhập bình quân của huyện năm 2020 đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so đầu nhiệm kỳ. Huyện cũng đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến dược liệu, hình thành các sản phẩm từ cam, rượu men lá, dược liệu, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung.

Cam bãi Phủ ở Anh Sơn đã có tiếng gần xa. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Cam bãi Phủ ở Anh Sơn đã nổi tiếng gần xa. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Xuôi về Anh Sơn, nông nghiệp công nghệ cao đã bắt đầu có chỗ đứng và gặt hái được những thành công đầu tiên. Toàn huyện đã có 3 vườn dưa lưới và rau sạch đạt tiêu chuẩn. Những vườn cam bãi Phủ, đồi chè Hùng Sơn, đã được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, kết hợp quy trình chăm sóc theo quy chuẩn VietGAP đã mang lại nhiều hiệu quả cho bà con nông dân. Sản phẩm chè Anh Sơn trong thời gian ngắn nữa sẽ theo công nghệ Nhật Bản để xuất sang một số thị trường khó tính. Còn cây mía - cây xóa đói một thời, đã thành cây làm giàu trên đất bãi Anh Sơn, với năng suất đạt 100 tấn/ha. Chưa hết, những nhà máy xi măng, tinh bột sắn, gỗ ván sợi MDF… ngày càng khẳng định hiệu quả.

Điểm nhấn với Anh Sơn trong thời gian qua, là đã thu hút được nhiều dự án vào đầu tư trên địa bàn, khu công nghiệp Tri Lễ đang dần được lấp đầy bằng những dự án lớn như gỗ MDF, than củi sạch. Nói về đặc sản của Anh Sơn, không thể không kể đến sản lượng xi măng 600.000 - 650.000 tấn/năm, 2.410ha chè, 185ha cam, 14.150ha keo nguyên liệu, 1.818ha cao su, 1.150ha sắn. Nhờ vậy mà, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 10,7%, bộ mặt Anh Sơn cũng đã thêm khang trang đổi mới.

Ông Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư Huyện ủy Anh Sơn chia sẻ: "Huyện đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung như cao su, sắn, chè, keo, cam… Cơ cấu ngành cũng đã chuyển hướng tích cực sang trang trại, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ… Chúng tôi đang phấn đấu trở thành tỉnh khá toàn diện ở miền Tây".

Rời “miền Trà Lân”, chúng tôi mang theo một niềm tin, chắc chắn nơi đây sẽ còn tiến xa hơn, khi đồng bào các DTTS đã biết làm du lịch bằng những tài nguyên, sản vật hiện có; khi các cấp chính quyền nơi đây biết phát huy lợi thế để có những sản phẩm nức tiếng mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Một Trà Lân đang từng ngày đổi thay.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.