Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cây quế Quỳ… lên ngôi

Việt Thắng - 11:21, 12/07/2021

“Có một thời, cây quế Quỳ bị cây keo lai đánh bạt. Một loài cây quý như thế mà không còn mấy ai mặn mà với nó nữa. Nay thì khác rồi, quế Quỳ đã xanh trở lại trên đất Quế Phong”. Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong – Nghệ An). Tôi không dám chắc danh xưng Quế Phong bắt nguồn từ tên của loài cây có hương thơm nồng – cây quế. Nhưng cái tên quế Quỳ thì trăm người như một, đều cho rằng, xưa vùng đất này thuộc phủ Quỳ, nên cây quế ở đây có tên là quế Quỳ.

Vườn ươm của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt hiện đang có 10 vạn cây quế giống
Vườn ươm của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt hiện đang có 10 vạn cây quế giống

Cây quế buồn

Xưa, nhắc đến Quế Phong là ai cũng nghĩ ngay về cây quế. Cây quế Quỳ được đánh giá rất cao về hàm lượng tinh dầu, mùi thơm đặc trưng… 

Các cụ kể lại rằng, ngày trước, cây quế nhiều lắm, mọc dày đặc trong rừng. Đến mùa cứ thế mà róc vỏ, về phơi khô chờ người đến mua. Thương lái khắp nơi, nhất là ở phía Bắc nườm nượp tìm về. 

Rồi nạn khai thác rừng bừa bãi, những cây quế dần dần biến mất. Cộng với đó là đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, khi được chia đất rừng thì tranh thủ trồng cây keo lai cho mau ăn.

Anh Bùi Văn Hùng, ở xã Châu Phong nhớ lại, ngày đó bà con lũ lượt vào rừng khai thác quế như một phong trào, mạnh ai nấy làm. Nói về thời xa vắng, Trưởng bản Na Hứm, xã Thông Thụ - ông Ngân Văn Tuấn bồi hồi: Tôi lớn lên còn thấy nhiều cây quế cổ thụ trong rừng. Thế mà chỉ một thời gian ngắn, cây quế gần như bị tận diệt, giờ vào rừng đố mà kiếm được cây nào.

May mắn, ở xã Châu Kim còn sót lại một ít cây quế tự nhiên. Nó được coi là nguồn quý hiếm, phải nâng niu để nhân giống. Theo Bí thư Đảng uỷ xã Châu Kim Hà Minh Tuấn, thì từ chủ trương giao đất giao rừng, bà con đã tích cực khoanh nuôi nên một số cây quế tự nhiên đã được bảo vệ. 

Cũng theo ông Tuấn, do đời sống của bà con còn khó khăn, nên khi được giao đất, thay vì tìm những giống cây có giá trị kinh tế cao thì bà con ta lại phải trồng cây keo lai. “Anh thấy đấy, đâu đâu cũng keo lai. Ở Quế Phong chúng tôi, mấy năm gần đây diện tích trồng cây keo lai đã giảm. Đó là tín hiệu đáng mừng…”, ông Tuấn cho biết.

Thăm vườn quế của trưởng bản Na Hứm Ngân Văn Tuấn
Thăm vườn quế của trưởng bản Na Hứm Ngân Văn Tuấn

Thương hiệu quế Quỳ

Bí thư Đảng uỷ xã Châu Kim Hà Minh Tuấn cho biết, khi diện tích cây keo lai ít đi có nghĩa là diện tích cây quế Quỳ tăng lên. Mừng vì hai lẽ, một là bà con đã biết chọn loại cây có giá trị kinh tế cao để đầu tư; hai là, chứng tỏ đời sống của bà con đã được nâng lên, vì chỉ khi đời sống nâng lên thì họ mới có điều kiện để đầu tư vào giống cây dài ngày. 

Ông Tuấn cho biết thêm: Diện tích trồng quế của xã Châu Kim đã là 200 ha và chắc chắn sẽ còn mở rộng, nếu giá quế hấp dẫn như hiện nay.

Chỉ tính riêng bản Na Hứm, xã Thông Thụ đã có đến 50 hộ dân tham gia trồng trên 70 ha quế Quỳ. Trưởng bản Ngân Văn Tuấn là người tích cực nhất trong phong trào trồng quế. 

Ông cho biết: Nhà ta trồng hơn 1 vạn cây trên diện tích hơn 4 ha. Cây quế là cây lâu năm, phải từ 15 đến 20 năm mới thu hoạch được. Nhưng đừng lo, mỗi năm đều có thể tỉa cành đem bán, nên không sợ đói đâu. Vả lại, trồng quế thì được nhà nước hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc… nên bà con ta hào hứng lắm. Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt “nằm vùng” ở đây để hướng dẫn rất cụ thể. Này nhé, cây phải cách nhau 3 đến 3,5m; đào hố sâu 20x20cm, phân thì thì không nên bón nhiều vì quế là cây có tính nóng…

Một góc rừng quế ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong
Một góc rừng quế ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong

Cũng ở bản Na Hứm, anh Lang Văn Châu so sánh: Trước đây gia đình cũng trồng cây keo, chỉ từ 5-7 năm là cho thu hoạch, nhưng mức đầu tư về giống, phân bón, chăm sóc… đặc biệt là chi phí mở đường để thu hoạch keo rất cao. Trong lúc trồng quế thì được hỗ trợ, giữa kỳ vẫn có thể “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách tỉa cành, lá đem bán.

Chứng minh cho hiệu quả từ việc trồng cây quế Quỳ, ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: Hiện vườn ươm của Ban đang có trên 10 vạn cây quế giống, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho bà con. Vì ngoài số được hỗ trợ, bà con đã mua thêm để mở rộng vùng trồng quế. 

Chỉ từ từ năm 2017 đến nay, Ban đã hỗ trợ cho người dân ở các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Hạnh Dịch… trồng được hơn 250 ha. Và chắc chắn số diện tích trồng quế sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Ban đang có kế hoạch mở rộng sản xuất giống cây, đáp ứng đủ cho bà con, tránh tình trạng người dân mua giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng. 

Ông Sinh hồ hởi khoe: “Quế Quỳ được Viện công nghệ xanh đánh giá có hàm lượng tinh dầu vượt trội hơn so với cây quế ở các vùng miền khác trong cả nước - 6%, trong lúc trung bình cả nước chỉ đạt 2,5%; Lá quế ở Quế Phong cũng cao hơn trung bình trên cả nước rất nhiều – 2,63%. Quế không chỉ là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm mà gỗ quế cũng rất tốt để sản xuất đồ mộc gia dụng. Cây quế ở Quế Phong không phải là cây xoá đói giảm nghèo mà là cây làm giàu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi đang từng bước xây dựng thương hiệu quế Quỳ trên đất Quế Phong”.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.