Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Miền Trung: Người trồng hoa cảnh Tết nguy cơ thất thu

Minh Ngọc – Nhuận Mẫn - 15:24, 10/01/2022

Mưa lũ, dịch bệnh khiến người trồng hoa Tết ở miền Trung thất thu, nhiều hộ đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần.

Vụ hoa Tết đã rất cận kề nhưng người trồng hoa Tết ở miền Trung đang rất lo lắng vì ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh
Vụ hoa Tết đã rất cận kề nhưng người trồng hoa Tết ở miền Trung đang rất lo lắng vì ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh

Cuối tháng 10 vừa qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng hoa cúc vàng, hoa công nghệ cao phục vụ Tết trên địa bàn TP Đà Nẵng bị hư hỏng gần như hoàn toàn, thiệt hại rất lớn. Trong đợt lũ vừa qua, hơn 200.000 chậu hoa Tết ở các địa phương thuộc huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn bị ngập sâu. Bà Nguyễn Thị Hữu - một người trồng hoa Tết ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) buồn phiền khi hơn 500 chậu hoa cúc của bà bị nhấn chìm trong lũ. Lũ vừa dứt, gia đình dốc sức cứu hoa nhưng hơn 2/3 số chậu hoa phục vụ Tết đã chết rũ.

Ông Lý Phước Dạng (Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn Hòa Châu) lo lắng với điều kiện thời tiết hiện tại.
Ông Lý Phước Dạng (Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn Hòa Châu) lo lắng với điều kiện thời tiết hiện tại.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn Hòa Châu (trú tại tổ 1 thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết: “Năm nay, qua tháng 11 âm rồi nên không ai mà nghĩ còn mưa ngập. Bà con ai nấy đều dồn công sức cho hoa cúc vàng, và hoa công nghệ cao phục vụ Tết, giờ thì mất trắng. Bà con đang phải cấp tập xuống giống nhưng không biết có kịp thời điểm tết đến nữa không! Trước tình hình dịch bệnh nông dân cũng rất e dè, số lượng chậu hoa sử dụng trong vụ Tết năm nay giảm hơn năm ngoái là 2.500 chậu. Những năm trước có lái buôn từ các tỉnh về đây lấy hàng, năm nay dịch bệnh, sợ các tỉnh không về được”.

Nhiều nông dân trồng hoa ở Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cũng rơi vào cảnh trắng tay vì mưa lũ ngập úng nhiều diện tích hoa trồng cho vụ Tết, gây thiệt hại tiền tỉ. Không chỉ thiên tai, người trồng hoa thấp thỏm lo âu vì tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hoa sẽ không bán ra được thị trường ngoại tỉnh. Còn nội thành thì thu nhập người dân bị giảm sút cũng ảnh hưởng việc mua hoa chơi Tết.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, tại thành phố này diện tích trồng hoa nay đã giảm từ 30% đến 40% so với năm trước.

Trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, lũ dâng cao khiến hầu hết các vựa trồng hoa lớn của Hội An đều ngập úng, hoa chết rất nhiều. Người trồng hoa tại đây thiệt hại nặng nề, có hộ gia đình cũng mất trắng. Một người nông dân trồng hoa tại Hội An cho biết, trung bình mỗi ha trồng khoảng 200.000 cây cúc, mỗi cây 3.000 đồng, mỗi vụ tết ước tính tổng thu được khoảng 3 tỉ đồng. Nhưng năm nay, bà con có nguy cơ mất trắng toàn bộ. Đến thời điểm này, bình quân mỗi sào hoa cúc cũng đã đầu tư khoảng 7-8 triệu.

Người trồng quất cảnh ở làng quất Hội An như ngồi trên đống lửa vì thời điểm hiện tại khách hàng rất ít.
Người trồng quất cảnh ở làng quất Hội An như ngồi trên đống lửa vì thời điểm hiện tại khách hàng rất ít.

Xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam – địa phương được mệnh danh là thủ phủ quất cảnh lớn nhất miền Trung. Toàn xã có hơn 500 hộ dân chuyên trồng quất cảnh và bán vào dịp Tết Nguyên đán.Tuy nhiên, trái với tâm trạng khấp khởi mừng vui từ những vụ mùa bội thu của các năm trước, năm nay, bà con làng quất Cẩm Hà trĩu nặng âu lo. 

Ông Nguyễn Đức Thành (47 tuổi, thôn Bàu Ốc) cũng như nhiều nhà vườn khác trong làng, năm nay, gia đình ông không dám đầu tư sản lượng nhiều như các năm trước. “15 năm gắn bó với nghề trồng quất cảnh, vụ Tết nào tôi cũng đầu tư trên 300 cây quất với đủ các loại từ nhỏ đến lớn. Thế nhưng năm nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tôi chỉ vun trồng 150 cây. Chưa kể giá phân bón năm nay cũng tăng cao khiến nông dân làng quất thiệt đơn, thiệt kép. Nếu bán tống bán tháo hết toàn bộ 150 chậu quất này vào dịp Tết với giá dao động từ 400-800 nghìn đồng/chậu, khoản doanh thu cũng chỉ đủ bù chi phí cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Còn lại, mồ hôi, sức lực mà người trồng đổ dồn vào vụ quất Tết coi như công cốc”. 

Thường niên, chừng đầu tháng 11 Âm lịch, thương lái từ khắp các nơi như: Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã đổ xô đến làng quất. Thế nhưng năm nay, khi phân nửa thời gian của tháng đã trôi qua, những nông dân trồng quất như ông vẫn đang mỏi mắt chờ thương lái.

Người trồng hoa tết ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cũng đang đối mặt với thua lỗ.
Người trồng hoa tết ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cũng đang đối mặt với thua lỗ.

Tại Quảng Ngãi, những người nông dân ở "thủ phủ" hoa cúc Tư Nghĩa cũng đang lo lắng cho vụ hoa tết không kém. Thời điểm cuối năm này, xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) có hơn 700 hộ trồng hoa Tết, chủ yếu trồng hoa cúc, vạn thọ, ngoài ra có thược dược, hoa hồng. Một nông dân trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp trồng 500 chậu hoa cúc, trong đó có đến 200 chậu đang có hiện tượng chết rễ cho biết: “Mưa lũ khiến cây thối gốc, tình trạng nước mưa ứ đọng trong chậu cũng dẫn đến cây chết nhanh hơn”.

E ngại trước tình hình dịch covid-19 hoành hành nên nông dân ở các thủ phủ hoa, cây cảnh ở miền Trung chỉ đầu tư sản lượng ít vụ Tết, song họ lại đang đối diện với vô vàn nỗi lo cả về thiên tai lẫn dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.