Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Mó Beo - Người giữ bí quyết nấu canh bồi

Bá Nha - Y Đam - 13:28, 30/11/2020

Ở thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, Phú Yên có bà La Thị Chánh (tên thường gọi là Mó Beo) - một trong số ít người giữ bí quyết nấu món canh bồi dẻo, ngọt, thơm, ngon đến nức lòng thực khách…

Mó Beo và cháu đang nhặt rau để nấu canh bồi
Mó Beo và cháu đang nhặt rau để nấu canh bồi

Những ngày sau bão lũ, chúng tôi tìm về miền sơn cước để mục sở thị “đầu bếp bản địa” đặc biệt. Gặp Mó Beo trên đường đi hái rau rừng, lá xanh về để nấu món canh bồi. 

Theo lời giới thiệu của người dân, Mó Beo là người biết bí quyết nấu món ăn này ngon nhất vùng. Món canh bồi là món ăn dân dã nhưng cũng lắm công phu. Canh bồi thường là món ăn mà đồng bào Chăm Hroi, Ba Na, Ê đê, hay người Kinh ở đây đều biết làm. Nhưng mỗi địa phương, mỗi người nấu đều có những bí quyết riêng. Hầu hết những “đầu bếp đặc biệt” này dùng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như ở vườn, rẫy, rừng, sông, suối…, ít dùng đến những gia vị hóa chất như mì chính, hạt nêm…

Mó Beo chia sẻ: “Tôi học nấu theo bà, theo mẹ từ khi tôi mới biết mang gùi xuống bến lấy nước. Món ăn này nuôi cả nhà tôi, cả làng này những năm khổ cực. Để có màu xanh tự nhiên và độ ngọt, tôi dùng lá bồ ngót giã, lọc lấy nước. Nguyên liệu có cả lá xanh (một loại lá trên rừng) cũng không thể thiếu. Để nấu được nồi canh bồi thơm, dẻo và ngọt không khó nếu biết cách góp lá, giữ lửa. Bột gạo được ngâm trước cho mềm để khi giã nhuyễn, không bị cợn (gạo lúa ở rẫy vẫn là ngon nhất). Khi nước  sôi gần 100 độ mới cho các loại rau vào để giữ độ xanh, tươi. Măng tươi băm nhỏ, nếu có măng vòi là ngon nhất. Muốn măng ko bị đắng mà không luộc thì ngâm nước muối 15 - 20 phút...

Chúng tôi không rời mắt dõi theo đôi tay thoăn thoắt của Mó Beo. Theo cách làm của bà, khâu đầu tiên là nhặt rau, tiếp đến là bắc nước đun sôi, nước nấu rau phải là nước sạch lấy từ giếng của làng. Sau đó bỏ lá sắn đã giã sẵn vào nấu cho đến khi chín dần thì cho các nguyên liệu vào gồm: Ốc suối, trứng kiến vàng, bí đỏ, cà nút, mít non, măng rừng, mướp,... Các nguyên liệu sắp chín thì đổ gạo đã giã với lá xanh đã đánh nhuyễn vào nồi canh, để lửa nhỏ cho nồi canh chín, sau đó bỏ các gia vị vào, như muối hạt, ớt non, lá é,....

Bữa ăn của một gia đình trẻ người Ba Na có bát canh bồi dẻo ngọt
Bữa ăn của một gia đình trẻ người Ba Na có bát canh bồi dẻo ngọt

Canh bồi hội tụ tinh hoa, dưỡng chất của đất trời, qua bàn tay của con người, nó trở thành thực phẩm giàu dưỡng chất: Vitamin, khoáng chất có trong măng, rau...; chất đạm có trong tôm, cua, cá; chất tinh bột có trong gạo, khoai môn…

Mó Beo không chỉ chế biến món canh bồi cho riêng cho gia đình mình mà trong làng ai cần hướng dẫn cách nấu ngon hay nhờ làm giúp khi có lễ, tiệc, đãi khách quý…, bà đều làm giúp và truyền dạy cho chị em, con cháu….

Nguyên liệu nấu món canh bồi
Nguyên liệu nấu món canh bồi

Canh bồi còn là món đặc sản đãi khách. Mấy lần đi công tác miền núi, tôi đã được các anh La Chí Tùng, Sô Đa - cán bộ huyện là người Ba Na tự tay góp lá, nấu chiêu đãi tại nhà.

Trong đời sống của đồng bào miền núi còn khó khăn, món ăn này giúp bà con cải thiện bữa ăn, thêm chất dinh dưỡng, tiết kiệm chi phí, sinh hoạt... Canh bồi đạm bạc mà vẫn ngon, bổ, rẻ.

Chị La Thị Tiến, một phụ nữ trẻ ở Sơn Phước chia sẻ, những người đi trước như Mó Beo đã gìn giữ, truyền đạt lại cho con cháu cách thức chế biến đặc sản canh bồi, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống. Nếu đưa đặc sản ẩm thực này vào phục vụ du lịch, để thực khách được tham gia trải nghiệm từ hái rau, giã gạo, nấu canh bồi và thưởng thức… thì rất thú vị.