Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Món cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

Thùy Dung - 15:20, 28/09/2020

Từ xa xưa, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã lên rừng bắt kiến vàng về để chế biến thành những món ăn đặc trưng. Nếu như người Gia Rai ở vùng chảo lửa Krông Pa (Gia Lai) nổi tiếng với món muối kiến vàng thì người Rơ Măm ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) được biết đến với món cá gỏi kiến vàng được coi là đặc sản của dân tộc.

Món cá đã được sơ chế cùng các gia vị kết hợp với trứng kiến, tạo thành món cá gỏi kiến vàng
Món cá đã được sơ chế cùng các gia vị kết hợp với trứng kiến, tạo thành món cá gỏi kiến vàng

Trong chuyến công tác về thăm làng Le (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy), chúng tôi được già A Blong, Người có uy tín ở làng mời về nhà chiêu đãi món cá gỏi kiến vàng - món ăn truyền thống của người Rơ Măm. Già A Blong cho biết: “Ngày xưa, người Rơ Măm sống ở trong rừng, cuộc sống vô cùng cực khổ. Để có thức ăn, người Rơ Măm thường xuống suối bắt cá và trèo lên cây hái tổ kiến vàng để chế biến món ăn. Món này sẽ ăn kèm cùng các loại rau rừng. Qua bao đời, món cá gỏi kiến vàng trở thành đặc sản của dân tộc Rơ Măm. Món ăn này dùng để đãi khách quý trong các ngày lễ quan trọng của làng”.

Vào bếp để xem anh A Khải (con trai già A Blong) chế biến món cá gỏi kiến vàng, anh A Khải cho biết: Món ăn này mình được cha dạy cho cách làm. Để chế biến món ăn, cần rất nhiều công đoạn và sự tỉ mỉ. Đầu tiên là phải chọn đúng loại cá. Người dân ở đây thường ra sông Sa Thầy bắt loài cá trắng để về chế biến. Nếu không có cá trắng thì có thể chế biến bằng cá trắm cỏ, cá diêu hồng... Khi bắt cá về sẽ được lọc xương, rửa sạch, băm nhỏ thịt cá rồi vắt nước để khử mùi tanh. Cá sẽ được ướp cùng với các loại gia vị, thêm một chút tiêu rừng và thính gạo.

Sau khi sơ chế cá, anh A Khải mời chúng tôi cùng đi bắt kiến vàng từ trên cây. “Bắt kiến cũng cần kỹ năng, nếu bắt nhiều thì phải mang theo bao và tránh làm gãy cây rừng, bảo vệ cây là bảo vệ môi trường sống của kiến vàng. Muốn món cá gỏi kiến vàng thơm ngon thì phải chọn tổ kiến non, nhiều trứng để làm tăng thêm hương vị ngọt của cá, vị ngậy ngậy, chua chua của trứng kiến”, anh A Khải giải thích.

Phát hiện 1 tổ kiến to, anh Khải chỉ cho chúng tôi cách nhận biết tổ kiến, sau đó anh trực tiếp dùng tay để rũ tổ kiến vào một chiếc nồi đã đựng sẵn cá cùng gia vị, đôi tay nhanh thoăn thoắt bóp kiến vào cùng với cá. 

Trong bữa ăn, chị Y Doan, con gái của già A Blong, Phó trưởng làng Le chia sẻ thêm: “Có rất nhiều món ngon được bà con chế biến từ kiến như canh chua kiến, muối kiến, nhưng người dân thích ăn nhất là món cá gỏi kiến vàng. Nó có vị ngọt của cá, vị chua của kiến, vị béo ngậy của trứng kiến. Mấy năm trước, chúng tôi mang món này đi dự thi ẩm thực ở TP. Kon Tum và giành được giải Ba”.

Già ABlong cho biết thêm: “Làng mình hiện có 154 hộ dân với hơn 453 khẩu. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi theo hướng phát triển đi lên. Theo đó, làng mình đang tích cực bảo tồn văn hóa của người Rơ Măm, trong đó có việc bảo tồn ẩm thực truyền thống. Hiện nay, những người lớn tuổi thạo chế biến món ăn đang thường xuyên dạy lại cho lớp trẻ để giữ gìn được món ăn truyền thống của dân tộc mình”.

Tin cùng chuyên mục
Hội thi quốc tế về những món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông

Hội thi quốc tế về những món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, 21 đội đã mang đến Hội thi ẩm thực quốc tế và Xác lập kỷ lục Việt Nam về các món ăn độc đáo, mang hương vị riêng được chế biến từ sâm dây của núi rừng Ngọc Linh. Các hoạt động, sự kiện diễn ra tại Hội thi mang ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng tầm giá trị cây sâm dây, hướng đến sinh kế bền vững cho đồng bào Xơ Đăng từ việc phát triển diện tích cây sâm dây, loại dược liệu đặc trưng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).