Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đổi thay trên đỉnh Pờ Yầu

Thùy Dung - 18:22, 24/03/2021

Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) là làng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Làng cách trung tâm xã Lơ Pang chừng 10 km nhưng một thời bị biệt lập, nằm chon von trên đỉnh núi. Nhiều năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều chương trình, dự án để giúp đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Pờ Yầu vươn lên thoát nghèo.

Con đường đất dẫn lên Pờ Yầu năm xưa rất khó khăn cho bà con trong việc đi lại và giao thương.
Con đường đất dẫn lên Pờ Yầu khi chưa được đầu tư

Một thời gian khó

Trưởng thôn Gep, dân tộc Ba Na chia sẻ, ngày trước, con đường từ trung tâm xã lên tới làng Pờ Yầu là đường đất bụi mù, dốc đá lởm chởm, 2 bên vực sâu nguy hiểm. Muốn đi xuống trung tâm xã cũng mất vài tiếng đồng hồ. Ở làng chỉ đàn ông, thanh niên tay lái cứng mới dám đi xe máy xuống xã vì đường rất nguy hiểm. Cứ mùa mưa đến, Pờ Yầu lại bị biệt lập vì con đường đất bị mưa lũ gây hư hỏng, không có phương tiện nào di chuyển được.

Cũng vì đường sá hiểm trở mà dân làng Pờ Yầu ít được tiếp cận những tiến bộ mới, nông sản làm ra luôn bị thương lái ép giá, đời sống của người dân cứ quẩn quanh trong cái nghèo, cái khổ. Không chỉ bị đói nghèo bủa vây, người Ba Na ở làng Pờ Yầu còn gặp vô vàn khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh, mua bán hàng hóa. Trẻ con của làng Pờ Yầu ít được tiếp xúc với bên ngoài nên cũng rất e dè, nhút nhát và nghỉ học sớm.

Đường lên Pờ Yầu hôm nay.
Đường lên Pờ Yầu hôm nay.

Pờ Yầu khởi sắc

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của Nhân dân làng Pờ Yầu, chính quyền tỉnh Gia Lai tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ để giúp đồng bào vươn lên phát triển. Tháng 10/2019, con đường dẫn lên Pờ Yầu dài 7,4 km được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, huyện Mang Yang cũng huy động các nguồn lực đóng góp thêm 3,2 tỷ đồng, các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn huyện góp hơn 2.000 ngày công tham gia hoàn thiện con đường.

“Có đường mới, đồng bào Ba Na làng mình phấn khởi lắm. Bây giờ, không còn cảnh khói bụi mùa khô và lầy lội mỗi khi mùa mưa về. Nông sản nhờ vậy mà được giá hơn những năm trước. Việc giao thương, đi lại để khám, chữa bệnh cũng được rút ngắn”, Trưởng thôn Gep phấn khởi.

Gia đình anh Cher được Nhà nước hỗ trợ bò giống và hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo.
Gia đình anh Cher được Nhà nước hỗ trợ bò giống và hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Cher, một trong những hộ được chính quyền địa phương quan tâm, tặng bò để phát triển kinh tế. Anh Cher bộc bạch: “Nhà nước tạo điều kiện, quan tâm, giúp đỡ mà gia đình mình có động lực vươn lên. Nhờ chăm chỉ làm ăn, mình có tiền nuôi con đi học, gia đình mình cũng vươn lên thoát khỏi hộ nghèo”.

Pờ Yầu hiện có 128 hộ, 542 nhân khẩu với hơn 95% là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Ba Na. Toàn làng hiện có 32 hộ nghèo, 79 hộ cận nghèo. Diện tích đất sản xuất là 239,8 ha; đất ở và đất phi nông nghiệp là 5,1 ha. Để giúp người dân vươn lên phát triển, huyện Mang Yang đã thành lập Tổ phát triển kinh tế - xã hội làng Pờ Yầu với 13 thành viên, đứng đầu là một Phó Chủ tịch UBND huyện.

Theo đó, trong năm 2020, Phòng Dân tộc đã tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng cho xã Lơ Pang, trong đó có 16 học viên là hộ nghèo tham gia. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên mở 2 lớp dạy nghề (trồng lúa, cà phê) với 39 học viên tại làng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế như mô hình cà phê, chăn nuôi dê, chăn nuôi ngan, hỗ trợ bò cái sinh sản… tổng kinh phí trên 145 triệu đồng.

Một góc làng Pờ Yầu hôm nay.
Một góc làng Pờ Yầu hôm nay.

Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ phó Tổ phát triển KT-XH làng Pờ Yầu cho biết: Khi có con đường mới, việc đi lại, giao thương của người dân làng Pờ Yầu đã thuận lợi hơn. Ngoài ra, từ công tác vận động, tuyên truyền đã giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm ăn, nhờ đó, làng Pờ Yầu đã có nhiều khởi sắc.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để sữa chữa 17 nhà tạm. Vận động bà con vay vốn ngân hàng chính sách để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mở thêm các lớp tập huấn, đồng thời đầu tư thêm các mô hình trình diễn về các loại cây trồng, cây ăn quả để hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc. Tập trung tối đa mọi nguồn lực để đưa làng Pờ Yầu vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững”, ông Quang cho biết thêm.