Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Mo Mường sống mãi với thời gian

Hồng Minh - 10:26, 01/07/2020

Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ. Làn điệu mo Mường đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ người Mường.

Người Mường thường sử dụng mo trong các nghi lễ.
Người Mường thường sử dụng mo trong các nghi lễ.

Là người con của Mường Vang, huyện Lạc Sơn, Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực tri thức văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng khẳng định: Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu thiết tha cuộc sống, con người, quê hương xứ sở; thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản Mường ở Hòa Bình.

Theo các nhà nghiên cứu cho biết, hiện nay ở các vùng Mường có 5 làn điệu mo được dân gian đặt tên: “Ò hoi”, “Dà đôông”, “Dà dê”, “Hâm mo” và “Hệu kệu”. Những làn điệu mo này, về mặt âm nhạc có giai điệu khác nhau. Cách gọi tên như vậy để dễ dàng phân biệt giữa các điệu mo, là câu hô xướng đầu tiên của các điệu mo.

Đến thăm nhà thầy mo Bùi Văn Khỉu, xã Tân Phong, huyện Cao Phong, mo Khỉu cho biết, trước kia, để làm lễ mo trong đám tang thường kéo dài vài ngày, tùy vào điều kiện gia chủ. Nhưng hiện nay, thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới, đám tang chỉ kéo dài không quá 24h. Tết đến, Xuân về, các hộ lại chuẩn bị đồ lễ, thầy mo làm lễ mừng năm mới mời tổ tiên về ăn Tết, phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, hạnh phúc. Từ mùng 1 - 15 tháng Giêng, làm lễ cúng lộc lá, cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu. Ngoài ra, nghi lễ mo thực hiện quanh năm với lễ lạc ngoại (làm vía) cúng đầy tháng cho trẻ hay lễ làm mụ (kéo si) cầu sức khỏe cho người già…

Mặc dù đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tuy nhiên mo Mường đang đứng trước nguy cơ mai một. Cụ thể, tại Hòa Bình, số lượng những ông mo, thầy mo trong các bản, làng ngày càng ít dần. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho thấy, toàn tỉnh hiện có 284 nghệ nhân mo Mường, độ tuổi trẻ nhất cũng đã ở quãng 50-60. Nhiều thầy mo tuổi cao, sức yếu, lần lượt theo nhau “về trời”, mang theo cả một kho tàng tri thức dân gian về bên kia thế giới. Trong khi đó, việc truyền dạy nghề làm mo không phải dễ dàng.

Để bảo tồn di sản văn hóa mo Mường, tỉnh Hòa Bình cũng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019- 2025 và những năm tiếp theo”.

Mới đây, ngày 9/6/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4591/VPCP-KGVX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường của tỉnh Hòa Bình, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường của tỉnh Hòa Bình, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.