Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Mộc Châu (Sơn La): Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS

Thuý Hồng - 19:24, 15/03/2023

Với mục tiêu chăm lo cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.


Mộc Châu tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, giao thương hàng hoá. Ảnh TL
Mộc Châu tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, giao thương hàng hoá. Ảnh TL

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng

Mộc Châu là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống, với 12 dân tộc anh em. Kết cấu hạ tầng tại các xã, bản đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ. Các khu dân cư phân tán, khó khăn trong việc triển khai các chính sách, các chương trình; sản xuất hàng hóa nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, manh mún; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế... Toàn huyện có 13 xã, 02 thị trấn với 193 bản, tiểu khu; có 10 xã vùng I, 02 xã vùng II và 03 xã vùng III; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 4,36%.

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1:  2021 - 2025, huyện Mộc Châu đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo động lực giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, trong năm 2022, huyện được phân bổ trên 29 tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án thành phần. Trong đó, vốn Trung ương cấp trên 20 tỷ đồng; nguồn vốn của huyện gần 9 tỷ đồng. Huyện Mộc Châu đã phân bổ chi tiết 100% số vốn được giao.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Nhân dân phát triển sản xuất, huyện Mộc Châu đã dành 10 tỷ đồng tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo dưỡng các hạng mục cơ sở hạ tầng như công trình đường giao thông nông thôn, phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; các công trình thủy lợi nhỏ; duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng tại các xã, bản đặc biệt khó khăn; xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ...; Năm 2022, huyện Mộc Châu đã hoàn thành 38% kế hoạch được giao.

Người dân Mộc Châu trồng chanh leo phát triển kinh tế
Người dân Mộc Châu trồng chanh leo phát triển kinh tế

Theo báo cáo của UBND huyện Mộc Châu, trong năm 2022, huyện đã tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ 04 công trình giao thông cho 03 xã khu vực, nâng cấp, sửa chữa 08 công trình cơ sở hạ tầng cho các bản đặc biệt khó khăn 08 xã khu vực I, khu vực II và duy tu bảo dưỡng 11 tuyến đường giao thông đi khu sản xuất của các bản đặc biệt khó khăn. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục sản xuất, đời sống Nhân dân; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch…

Về lĩnh vực phát triển kinh tế, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, huyện sẽ đầu tư sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, gồm: Triển khai các tiểu dự án về đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS.

Ông Tráng A Tủa, Trưởng bản Phiêng Cài, cho biết: Năm 2022, huyện Mộc Châu đã hỗ trợ hơn 4.000 gốc chanh leo cho 43 hộ dân trong bản. Hiện cả bản đã trồng gần 31ha cây chanh leo, 25ha mận, 30ha cây lê, 31ha chè. Nhờ được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất trung bình đạt 15 tấn quả/ha, nhiều hộ có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm từ loại cây trồng này. Hiện nay trong bản chỉ còn 8 hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, ngay từ những ngày đầu năm 2023, UBND huyện đã kịp thời quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; ban hành quyết định giao vốn cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các tiểu dự án, dự án, nội dung thành phần được giao làm chủ đầu tư.

Theo đó, huyện Mộc Châu đã ban hành Quyết định về giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 với nguồn vốn trên 46 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là trên 26 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 20 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm 2023, là thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai hiệu quả các dự án của chương trình.

Huyện Mộc Châu đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS
Huyện Mộc Châu đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS

Ông Hà Mạnh Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, UBND huyện Mộc Châu cũng phối hợp với các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc phê duyệt danh sách đối tượng là đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề vào cuối năm 2022. Đồng thời, hướng dẫn các xã hoàn thiện việc lập và trình phê duyệt danh sách các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ, làm cơ sở phê duyệt phương án hỗ trợ khi Trung ương ban hành định mức và xác định đối tượng cho vay vốn ưu đãi trong giai đoạn 2023-2025. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.