Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Mỏm tột Bắc” của Tổ quốc

PV - 16:10, 23/07/2018

Nhìn trên bản đồ đất nước, nhiều người sẽ nghĩ Cột cờ quốc gia Lũng Cú, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là điểm chóp cực Bắc của Tổ quốc. Nhiều du khách khi đặt chân lên Cột cờ Lũng Cú cũng có suy nghĩ đã đặt chân đến tận điểm chóp nón của Tổ quốc. Nhưng thực tế, phía sau Cột cờ Lũng Cú còn có một mảnh đất nhỏ nhô ra phía dòng Nho Quế thơ mộng. Đó chính là mỏm Séo Lủng, hay còn được coi là “Mỏm tột Bắc” của Tổ quốc.

“Mỏm tột Bắc” là cách gọi được nhà văn Nguyễn Tuân dùng trong bài viết “Mỏm tột Bắc” của mình. Năm 1960, khi Nguyễn Tuân có chuyến thực tế lên Hà Giang, ông đã phải rất nỗ lực để đặt chân lên Lũng Cú. Khi ấy trên đỉnh núi Rồng chưa cắm cột cờ Quốc gia Lũng Cú như bây giờ. Đến “Mỏm tột Bắc”, Nguyễn Tuân đã treo tấm bản đồ Việt Nam lên tường nhà một gia đình người Mông ở đây, rồi lấy một sợi dây và đặt vào điểm chính Bắc từ mỏm Séo Lủng, thôn Séo Lủng và thả theo phương thẳng đứng. Thật ngạc nhiên, điểm cuối của sợi dây trùng điểm chót phía Nam thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nguyễn Tuân đã ngạc nhiên thốt lên, sao trùng khít đến thế, đây mới chính là điểm “tột Bắc” của Tổ quốc. Từ đó, mỏm Séo Lủng, mỏm đất thượng cùng nơi cực Bắc của Tổ quốc được gọi bằng tên “Mỏm tột Bắc”.

Tổ Quốc “Mỏm tột Bắc”-nơi chóp nón của bản đồ Tổ quốc thuộc thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú.

“Mỏm tột Bắc” nằm gần cột mốc 428. Địa điểm này được xác định là điểm xa nhất về phía Bắc của Tổ quốc. Tuy nằm ở biên giới, nhưng hiện nay để đến được địa điểm này không khó khăn. Từ chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, chỉ cần theo con đường nhựa đi vào mốc 422, với quãng đường khoảng 3km sẽ đến địa phận thôn Séo Lủng. Từ đó đi tiếp khoảng 1km sẽ đến sát biên giới Việt-Trung. Tại đây, ta có thể dễ dàng thấy phần nhô lên cao như chóp nón trên bản đồ Việt Nam chính là “Mỏm tột Bắc” của Tổ quốc. Theo bản đồ vệ tinh, khoảng cách giữa mỏm tột Bắc và Cột cờ Quốc gia Lũng Cú là 3,3km.

Nếu như ở điểm cực Nam của Tổ quốc là đất mũi Cà Mau thì điểm cực Bắc là địa đầu Lũng Cú-“Mỏm Tột Bắc”. “Mỏm tột Bắc” nằm trên một trong 5 ngọn núi nối liền nhau trải dài dọc biên cương Tổ quốc, giáp với nước bạn Trung Quốc. Ngọn núi to, cao, uy nghiêm, bao bọc lấy những núi con trùng điệp, làm phên dậu vững chắc bảo vệ quê hương nên người dân nơi đây gọi là núi Mẹ. Dưới chân “Mỏm tột Bắc” là dòng sông Nho Quế thăm thẳm, nước quanh năm xanh ngắt một màu. Chính sự kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây đã lôi cuốn đôi chân ham đi, ưa xê dịch của các “phượt thủ” những người ưa khám phá.

Bạn Nguyễn Duy Cường, một khách phượt đến từ Hà Nội cho biết: Đến Hà Giang, ngoài những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như đèo Mã Pì Lèng, khu di tích nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú thiêng liêng…, nhiều du khách giờ đã biết đến một “Mỏm tột Bắc” đầy ấn tượng. Phải đến được nơi đây thì mới thực sự là chinh phục mảnh đất cực Bắc Tổ quốc.

Để đáp ứng nhu cầu khách thăm quan, trải nghiệm và chinh phục “Mỏm tột Bắc” của du khách, huyện Đồng Văn đã xây dựng một chòi vọng cảnh. Từ chòi vọng cảnh ở “Mỏm tột Bắc”, nhìn bao quanh là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn với trùng điệp những khoảnh ruộng bậc thang của vùng biên giới đầy sắc màu; nhìn sang phía đối diện là nước bạn Trung Quốc. Tất cả vẽ nên một bức tranh nơi quê hương địa đầu Tổ quốc với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng, thanh bình. Hãy đến “Mỏm tột Bắc” để cùng trải nghiệm và khám phá, để được in dấu chân lên nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Tổ quốc Việt Nam.

HUY TOÁN - PHÙNG HÀ

Tin cùng chuyên mục
Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Từ bao đời nay, việc đan lát từ cây tre, cây cọ tạo ra những vật dụng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày đã trở thành nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Những chiếc quạt cọ, nón mê, đôi lồng... được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của bà con người Tày nơi đây.