Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Móng Cái (Quảng Ninh): Tàu giã cào... cào hết nguồn lợi hải sản

Thiên An - Mỹ Dung - 09:03, 18/11/2022

Theo phản ánh của ngư dân, thời gian gần đây, hàng đêm trên vùng biển của khu vực Bình Ngọc, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Tp. Móng Cái (Quảng Ninh) xuất hiện hàng chục chiếc tàu giã cào hoạt động khai thác trên vùng biển. Với việc sử dụng các dụng cụ cấm khai thác tràn lan tại các vùng biển ven bờ, tàu giã cào đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn đối với nguồn lợi hải sản.

Mỗi tàu giã cào thu được hàng tấn ốc điếu và các loại hải sản khác một đêm
Mỗi tàu giã cào thu được hàng tấn ốc điếu và các loại hải sản khác trong một đêm

Chia sẻ về thực trạng này, anh H.T.K, một ngư dân của xã Vĩnh Thực cho biết, gần đây cứ về đêm là hàng chục chiếc tàu giã cào ngang nhiên đánh bắt, vận chuyển hải sản trên biển.

“Đêm nào cũng thế, rồi chẳng mấy chốc không còn con nào dưới biển. Tôi cảm giác họ cố tình cày nát vùng biển, vét sạch, tận diệt nguồn hải sản”, anh K. ngậm ngùi.

Chị B.M.T, thôn 4 , xã Vĩnh Trung cho biết, theo quan sát của các ngư dân, các tàu công suất lớn, kéo theo một tấm lưới, phía đáy của lưới được gắn một thanh sắt nặng để có thể cào sâu đến tận đáy biển. Mắt lưới giã cào nhỏ, nên tôm, cá, ốc, ghẹ... đều bị đánh bắt cạn kiệt. Sau một đêm cày xới, mỗi tàu giã cào được hàng tấn ốc điếu và các loại hải sản khác. Các tàu này tập kết ốc điếu cho các chủ hàng thu mua mang đi nơi khác tiêu thụ.

Chị T. bày tỏ mong muốn: “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý kịp thời tình trạng tàu giã cào trên biển để bảo vệ ngư trường gần bờ, giúp ngư dân có thuyền nhỏ chúng tôi yên tâm đánh bắt và ổn định cuộc sống”.

Trên thực tế, sự xuất hiện của các tàu giã cào ngày càng nhiều, ngang nhiên cày xới, đánh bắt và vận chuyển thủy sản trên vùng biển thuộc khu vực từ Cống Cách, thôn 4, xã Vĩnh Trung đến Vạn Gia, xã Vĩnh Thực và vùng biển mũi Ngọc, phường Bình Ngọc, Tp. Móng Cái (Quảng Ninh).

Đánh bắt bằng giã cào là nghề làm phá hủy môi trường, sinh vật tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây hại đến những loài thủy sản cần được bảo vệ như: Rạn san hô, rùa biển, vích, đồi mồi và các loại hải sản nhỏ... Vì lợi ích trước mắt, với hình thức khai thác tận diệt, nghề khai thác bằng lưới giã cào không chỉ đe dọa đến lợi ích và an toàn của những ngư dân khai thác bằng công cụ khác như ghe mành chụp hay lưới vây… mà còn trực tiếp gây cạn kiệt nguồn lợi hải sản ven bờ. Không những vậy, nó còn tiềm ẩn nguy cơ tranh giành ngư trường, tranh chấp lãnh thổ làm mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Theo thông tin nhận được, mặc dù thời gian qua, chính quyền TP. Móng Cái và lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, xử lý những vi phạm trong khai thác hải sản. Tuy nhiên, tình trạng ngư dân sử dụng các dụng cụ cấm để khai thác hải sản theo hình thức tận diệt vẫn còn tồn tại nhiều.

Cơ quan chức năng liên tục bắt quả tang các phương tiện khai thác trái phép
Cơ quan chức năng liên tục bắt quả tang các phương tiện khai thác trái phép

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: “Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực khai thác hải sản. Khi phát hiện ngư dân sử dụng các nghề khai thác thuộc danh mục nghề cấm hoạt động trên vùng biển sẽ xử lý nghiêm theo quy định”.

Hi vọng rằng, chính quyền và các cơ quan chức năng TP. Móng Cái nói riêng, cũng như tỉnh Quảng Ninh nói chung, khẩn trương có những biện pháp quyết liệt đẩy lùi nạn giã cào, sớm trả lại bình yên trên biển để ngư dân yên tâm bám biển, ra khơi./.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.