Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Một số câu tục ngữ trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng

PV - 17:50, 05/07/2021

Từ xưa, người Tày, Nùng đã đúc kết những kinh nghiệm trong thực tế cuộc sống thành những câu tục ngữ phản ánh nhiều lĩnh vực về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của các tầng lớp trong xã hội, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Tày
Trang phục của phụ nữ dân tộc Tày

Các câu tục ngữ được phản ánh căn cứ theo triết lý về hoàn cảnh, đối tượng, điều kiện sống. Thông qua đó, giá trị những câu tục ngữ có tác dụng trực tiếp đến từng lĩnh vực và có ý nghĩa nhân văn sau sắc.

Trong nông nghiệp, câu tục ngữ “Bươn slí lồng chả, bươn hả đăm nà”, nghĩa là: tháng Tư (âm lịch) gieo mạ, tháng Năm cấy lúa để nói về mốc thời gian sản xuất. Thực tế nếu gieo mạ sớm, không đúng vào tháng Tư thì mạ già, hoặc non gieo cấy sẽ đạt năng suất thấp. Trước đây, bà con các địa phương nhờ vào mùa mưa để tận dụng nguồn nước, do đó dịp tháng Năm gieo cấy là thời điểm thích hợp nhất. Với kinh nghiệm sản xuất tạo ra mùa màng bội thu, chọn thời điểm gieo trồng các loại cây lương thực là rất quan trọng. Người Tày, Nùng có câu “Hạ chí bấu đăm nà, Đông chí bấu khòa thúa”, nghĩa là: quá tiết Hạ chí không nên cấy lúa, Đông chí không nên gieo các loại đậu đỗ, vì sau tiết trời đó các cây trồng mọc kém, nếu cây trồng có mọc cũng cho năng suất rất thấp.

 Nói về sự cần cù trong lao động sản xuất thể hiện qua câu “Pây tổng bấu nắt mà, pây nà bấu nắt theo”, nghĩa là: đi ruộng, đi rẫy không muốn về nhà; hay “Kếp pja bấu lìa cúm”, nghĩa là: mõ dao thường ở bên mông, để thể hiện về sự chăm chỉ của người nông dân. Đồng thời người lao động tốt sẽ đạt được những kết quả trong sản xuất và trở thành tấm gương sáng cho mọi người học tập, làm theo. Vì vậy, còn có câu tục ngữ đề cập đến thành quả lao động như “Bát bai slam ăn phước, bát cuốc slam ăn mằn” có nghĩa mỗi lần cuốc được 3 củ khoai (được coi mùa màng bội thu) và đánh giá bản chất lao động của người sản xuất.

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày- Nùng ở Cao Bằng
Lễ hội Lồng Tồng của người Tày- Nùng ở Cao Bằng (Ảnh TL)

Thông qua các câu tục ngữ, trong những dịp lễ, tết, khi khách đến nhà thường chúc gia chủ ăn nên làm ra, có nhiều của cải, vật chất, như “Slam bươn kha sộc, slốc bươn kha loỏng” được hiểu là nuôi lợn 3 tháng to bằng chiếc cối giã gạo, 6 tháng to bằng chiếc loỏng đập lúa. Lời chúc tụng động viên gia đình chăn nuôi phát triển, gặp nhiều may mắn, ít dịch bệnh. Hay câu chúc “Pất cáy têm cai, mò vài têm lảng”, nghĩa là: gà, vịt đầy sàn nhà, trâu, bò đầy chuồng.

Ngoài ra, các câu tục ngữ còn đề cập đến nhiều khía cạnh về cuộc sống sinh hoạt. Khi đến thăm trẻ mới chào đời, dân gian có câu “Slam bươn le phộc, slốc bươn le năng”, có nghĩa 3 tháng trẻ tự biết lật, 6 tháng trẻ tự biết ngồi. Đây là câu tục ngữ đúc kết về sự phát triển của con người theo quy luật tự nhiên, đồng thờ là sự mong muốn trẻ khi chào đời phát triển bình thường, ít bệnh tật.

Bên cạnh đó, trong tục ngữ Tày, Nùng còn phản ánh tình cảm giữa người với người. Câu “Ngần sèn tảng tôm nhả, tha nả tẩy sliên kim” được hiểu là tiền bạc coi như đất, cỏ; tình cảm con người còn quý hơn nghìn vàng. Để răn dạy con cháu, không chỉ những câu tục ngữ khen ngợi mà còn có sự chê bai, so sánh ví von về sự lười biếng như “Nộc quất pây khằn nà doái doái, me nhình bấu chắc hết pjải pjền hên”, nghĩa là: bìm bịp đi qua bờ ruộng thong thả, con gái không biết dệt vải thành cầy, cáo. Ý nói phụ nữ phải biết dệt vải để vun vén gia đình.

Về sinh hoạt, trước đây cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, ngày lễ, tết mới thịt con gà. Vì vậy, trong bữa ăn phải nhường người già nên có câu “Kin tắp phặp lừm” có nghĩa là ăn miếng gan chóng quên công việc hằng ngày, cũng như học hành chậm tiến bộ vì thế người còn trẻ không nên ăn miếng gan.

 Những câu tục ngữ của người Tày, Nùng đề cập nhiều nội dung trong cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, phê bình những thói hư tật xấu trong cuộc sống xã hội... Thông qua các câu tục ngữ để đúc kết kinh nghiệm sản xuất, răn dạy trong đối nhân xử thế, vì thế mang giá trị nhân văn để hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.