Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Ngày mới ở bản Tày cổ Đống Đa

PV - 14:56, 09/06/2021

Những ngôi nhà sàn lợp ngói máng gần một trăm năm tuổi, mùi thơm nồng nàn của hương lúa nếp Khẩu láng khẩu Pái, loại lúa đặc sản của đồng bào Tày làm ngây ngất bất cứ ai đến với bản Tày cổ Đống Đa, xã Thượng Nông (Na Hang, Tuyên Quang) những ngày này.

Một góc bản Tày cổ Đống Đa
Một góc bản Tày cổ Đống Đa

Cuộc sống mới

Những căn nhà sàn cổ, ẩn khuất dưới tán cây, cảnh vật êm ả, thanh bình đến lạ! Dẫn chúng tôi một vòng quanh làng, bà Lê Thị Vương, Trưởng thôn Đống Đa khoe, những năm gần đây người Tày ở đây đã có cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Người dân đã trồng các loại lúa thơm đặc sản, lúa nếp đặc sản của địa phương, chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi lợn hàng hóa, phát triển kinh tế rừng kết hợp với đi làm thêm nên số hộ nghèo đã giảm mạnh, từ 56 hộ nghèo năm 2016 đến năm 2020, thôn chỉ còn 25 hộ nghèo.

Đến thăm vườn ươm cây giống lâm nghiệp, cây ăn quả cung cấp cho người dân trong xã và các xã lân cận của anh Hoàng Văn Ngôi trong thôn mới thấy người dân tuy ở vùng sâu, vùng xa nhưng năng động, nhạy bén phát triển kinh tế. Anh Ngôi bảo, lợi thế của các xã vùng cao này là phát triển rừng và cây ăn quả từ vườn đồi nên sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm, từ năm 2021 anh bắt đầu làm vườn ươm, công việc mới nhưng khá thuận lợi. Trong 6 tháng đã làm được 45 vạn cây giống các loại, tạo việc làm cho 3 - 5 lao động với thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng. Anh Ngôi bảo, vườn ươm là hướng anh chọn để phát triển kinh tế lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Síu, thôn Đống Đa nhớ lại nhiều năm trước đây, cánh đồng thôn mỗi năm chỉ cấy được một vụ, năng suất thấp nên chả nhà nào đủ ăn, cứ đến kỳ giáp hạt là bà con lại phải vào rừng lấy măng, đào củ mài ăn tạm. Giờ đây hệ thống kênh mương dẫn nước đã được cứng hóa. Cánh đồng không còn độc canh một vụ như trước mà làm được cả 3 vụ. Mừng nhất là UBND huyện Na Hang đã có đề án hỗ trợ người dân sản xuất cấy lúa nếp Khẩu láng khẩu Pái, một giống lúa đặc sản của địa phương thành sản phẩm hàng hóa với trên 10 ha, tạo thu nhập cao cho nông dân và lưu giữ được giống lúa quý của địa phương. Đường nội thôn, liên thôn cũng đã được bê tông hóa, nhà văn hóa thôn cũng đã xây dựng khang trang, công việc làm nông có cơ giới hóa, cuộc sống của bà con đổi thay nhiều.

Từ chỗ có kinh tế, người dân hăng hái chung sức xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 - 2020, thôn đã vận động nhân dân hiến 400 mét vuông để thông tuyến giao thông từ thôn Đống Đa, xã Thượng Nông đi xã Côn Lôn; vận động nhân dân đóng góp 48 triệu đồng và hàng trăm ngày công xây dựng nhà văn hóa thôn; vận động nhân dân hiến đất, kiên cố hóa 400 m kênh mương nội đồng...

Thôn có tuyến đường điện thắp sáng đường quê nên buổi tối cả thôn đều sáng điện, đi lại của người dân rất thuận tiện. Có được kết quả này là nhờ trưởng thôn Vương ngày đêm vận động người dân thực hiện chủ trương “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Riêng 5 tháng năm 2021, bà Vương đã vận động nhân dân sẵn sàng hiến trên 3.000 mét vuông đất vườn, đất ruộng làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng.

Trưởng thôn Vương chia sẻ: “Nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo việc gì cũng thành công” nên mình kiên trì vận động người dân thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện, xã bởi các chủ trương đều hướng đến sự phát triển cho nhân dân, thay đổi cuộc sống của nhân dân. Khi hiểu được lợi ích cho mình, người dân cũng không tiếc tiền của, công sức, đất đai. Chính vì lòng dân thuận nên mọi việc thôn triển khai đều thành công và đem lại hiệu quả”.

Những việc làm của Trưởng thôn Vương đã được người dân Đống Đa, lãnh đạo xã Thượng Nông ghi nhận, bà đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020.

Đường bê tông nội đồng vừa mới hoàn thành năm 2021 ở bản Tày cổ Đống Đa
Đường bê tông nội đồng vừa mới hoàn thành năm 2021 ở bản Tày cổ Đống Đa

Mở hướng phát triển du lịch cộng đồng

Thôn Đống Đa được đánh giá là thôn giữ được trọn vẹn những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và được gọi là “làng cổ” của người Tày ở Thượng Nông. Nổi bật nhất ở thôn là những ngôi nhà sàn cổ với tuổi đời gần trăm năm. Nhà sàn ở đây có nét tương đồng của đồng bào Tày trong tỉnh, kiến trúc đặc trưng gồm năm gian hoặc ba gian tùy thuộc điều kiện kinh tế của từng gia đình, nhưng đều có bốn mái. Cột nhà được làm bằng gỗ, sàn nhà làm bằng cây mai, vầu già được đập dập, băm nhỏ, lát theo chiều ngang nhà hoặc cũng có thể lát bằng gỗ. Nét riêng là mái nhà ở Đống Đa lợp bằng ngói máng. Một loại ngói người dân tộc Tày trong thôn tự làm bằng đất đỏ. Vì thế nhìn nhà sàn hình thức đẹp hơn, độ bền cao hơn so với lợp lá cọ.

Đồng chí Nông Văn Bảo, Bí thư chi bộ cho biết, thôn Đống Đa có 105 hộ dân, tất cả đều là người Tày. Ngoài những ngôi nhà sàn cổ, người dân còn gìn giữ được những nghề truyền thống như nấu rượu ngô men lá, trồng bông, dệt vải, nhuộm sợi... Hầu hết phụ nữ trong thôn đều biết dệt vải, làm cốm, làm các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh dày, bánh gai... Nhiều hộ vẫn tiếp tục trồng bông, giữ nghề dệt vải. Xã và thôn tích cực vận động chị em trong thôn khôi phục nghề truyền thống này.

Gia đình chị Nguyễn Thị Niềm bao đời nay vẫn giữ nghề dệt vải. Chị Niềm chia sẻ, chị biết trồng bông, dệt vải từ khi mới là thiếu nữ; khi ấy chị được mẹ dạy làm màn, may váy áo bởi truyền thống của người Tày, các cô gái sẽ tự dệt vải, may bộ váy áo đẹp nhất để mặc trong ngày cưới. Giờ cuộc sống hiện đại, nghề dệt vải không còn cần thiết và không còn bắt buộc như xưa nhưng chị giữ nghề phần vì yêu màu áo của dân tộc mình, phần vì sợ mai một mất nghề. Vì thế chị Niềm cùng với Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của thôn vận động các chị em trong thôn cùng khôi phục lại nghề dệt vải. Chị Niềm hy vọng, sau này nghề trồng bông, dệt vải sẽ góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại làng Tày cổ Đống Đa.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thượng Nông cho biết: Xã Thượng Nông có 12 thôn, trong đó có 9 thôn có đồng bào người Tày sinh sống. Mặc dù, nhiều thôn vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Tày, nhưng chỉ có thôn Đống Đa là giữ được trọn vẹn những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Tày và được gọi là làng cổ của người Tày. Với 70% người dân trên địa bàn là người Tày, ngôi làng cổ này có giá trị văn hóa rất lớn đối với xã Thượng Nông. Thôn là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc nhất của người Tày trước nguy cơ bị mai một. Đảng bộ xã đã đưa vào nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển du lịch Homestay gắn với bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Tày ở Đống Đa, góp phần mở ra hướng phát triển mới cho người dân nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.