Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Để Then xứng tầm di sản

Hồng Minh - 10:22, 30/12/2019

Vừa qua, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là thách thức. Thách thức phải làm sao để di sản Thực hành Then thực sự được bảo tồn và phát huy giá trị, đúng với tầm vóc di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những nghệ nhân Then cao tuổi là đội ngũ quan trọng trong việc bảo tồn, truyền dạy Thực hành Then
Những nghệ nhân Then cao tuổi là đội ngũ quan trọng trong việc bảo tồn, truyền dạy Thực hành Then

Ngay sau khi Thực hành Then được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có lẽ niềm vui, sự tự hào là tâm trạng chung của những nhà văn hóa, giới nghiên cứu và đặc biệt là cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái - chủ thể của di sản.

GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết: “40 năm sống ở Tây Bắc, Việt Bắc, tôi hiểu Then là cái căn cốt trong văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Và giờ đây, Then đã được trả về đúng với vị trí nguyên có của nó. Đó là điều quý giá nhất mà Đảng, Nhà nước đã quan tâm trong công cuộc giữ gìn di sản và thực hiện quyền tự quyết về văn hóa của các dân tộc thiểu số”.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thực hành Then ở một số địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì, phát triển. Nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, việc tuyên truyền, vận động cộng đồng giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, dân tộc Tày, tỉnh Lạng Sơn, để bảo tồn phát huy Thực hành Then, cần kịp thời có chính sách cụ thể cho các nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân cao tuổi trong việc truyền dạy cho các thế hệ con cháu. 

Trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là điều kiện thuận lợi để Thực hành Then mãi được lưu truyền, phát triển
Trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là điều kiện thuận lợi để Thực hành Then mãi được lưu truyền, phát triển

“Những nghệ nhân cao tuổi luôn âm thầm cống hiến, bản thân họ là nơi lưu trữ nguồn văn hóa dân tộc rất lớn. Những nghệ nhân cao tuổi này vẫn lặng lẽ sử dụng vốn văn hóa của mình đi tuyên truyền ở các bản làng, nhưng hầu như không được quan tâm, hay phong tặng danh hiệu gì. Việc được quan tâm tích cực sẽ khiến cho những nghệ nhân này tâm huyết hơn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm hướng tới trao truyền những giá trị của di sản cho lớp trẻ… cũng là những giải pháp quan trọng”, Nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ cho hay.

Cùng với những khó khăn như Nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, thì khó khăn của Thực hành Then trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng là một thách thức lớn. Nghệ nhân Then Nguyễn Văn Bách, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc băn khoăn nói: “Thực hành Then đang đặt ra nhiều vấn đề. Quan trọng nhất là làm sao bảo tồn Then trong bối cảnh một số dòng Then không có truyền nhân, các nghệ nhân hiện đa phần đã cao tuổi. Rồi vấn đề bảo tồn ngôn ngữ Then. Then là tổng hòa nhiều yếu tố, có âm nhạc, múa, nhưng trong đó lời hát cực kỳ quan trọng. Bởi vì người ta yêu Then, hiểu Then, quý mến Then cũng từ ngôn ngữ mà ra, ấy là những câu chuyện cổ, những lời răn dạy về cuộc sống... mà ông cha đã đúc kết, truyền lại cho con cháu đời sau. Do đó, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để Then được bảo tồn và luôn hiện diện trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái”.

Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam. Theo số liệu kiểm kê, Then Tày, Nùng, Thái có ở 11 tỉnh. Hiện có 817 thầy Then (213 nam, 604 nữ); trong đó có 439 người Tày, 328 người Nùng, 23 người Thái và 27 người thuộc các dân tộc khác: Kinh, Cao Lan, Dao, Hoa…