Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Mưa lớn kéo dài, các tỉnh miền núi ứng phó trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

PV - 19:25, 27/06/2023

Nhiều phụ huynh, thầy cô giáo tại các tỉnh khu vực Tây Bắc bày tỏ lo lắng khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cận kề nhưng trên địa bàn liên tục xuất hiện mưa lớn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến giao thông đi lại.

Tháng 6/2022, đoạn đường Km436+200, Quốc lộ 6 (thuộc bản Phiêng Đất B, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà, Điện Biên), bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ.
Tháng 6/2022, đoạn đường Km436+200, Quốc lộ 6 (thuộc bản Phiêng Đất B, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà, Điện Biên), bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết, để bảo đảm công tác vận chuyển đề thi và đi lại của các thí sinh, đơn vị đã phối hợp với Sở GTVT và các địa phương triển khai nhiều giải pháp, sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn.

Qua kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại các địa phương cho thấy, hiện còn một số điểm thi tại các huyện, như: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ… có điều kiện đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

"Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã thống nhất với Sở GTVT và các huyện, thị về phương án dự phòng trong công tác vận chuyển đề thi khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đường", ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết.

Theo đó, khi xảy ra tình huống sạt lở, tắc đường nếu cần phải "tăng bo" sẽ có phương án "tăng bo", cần tăng cường nhân lực sẽ tăng cường nhân lực.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra an toàn, nghiêm túc, Sở GD&ĐT Điện Biên cũng đã đi kiểm tra việc bảo đảm nơi ăn nghỉ cho cán bộ làm thi và các thí sinh ở xa.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai công tác hỗ trợ cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn về điều kiện sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Ngoài ra, tỉnh Điện Biên cũng chuẩn bị 21 điểm thi dự phòng đặt tại các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Tại tỉnh Hòa Bình, để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra an toàn, thuận lợi, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ, cử người ứng trực và bổ sung kịp thời biển cảnh báo nguy hiểm đối với những đoạn tuyến có nguy cơ sạt lở gây ách tắc giao thông, đoạn đường hay bị nước ngập có dòng chảy siết, vị trí cầu yếu, ngầm tràn.

Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông yêu cầu các đơn vị thi công tạm dừng thi công trên các tuyến đường có địa điểm tổ chức thi và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.

Sạt lở tại Km 13+100 đường tỉnh 435 trên địa bàn Hòa Bình.
Sạt lở tại Km 13+100 đường tỉnh 435 trên địa bàn Hòa Bình.

Sở GTVT Hòa Bình cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách không để xảy ra trường hợp hành khách bị lỡ chuyến do không có phương tiện vận chuyển, đặc biệt là các thí sinh tham dự kỳ thi.

Có chế độ miễn giảm giá cước vận tải đối với các thí sinh thuộc diện hoàn cảnh khó khăn tham gia kỳ thi. Tăng cường số chuyến trong những ngày có biến động lớn về nhu cầu vận chuyển hành khách để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong những ngày cao điểm của kỳ thi.

Các Ban Quản lý dự án phối hợp với Thanh tra Sở tổ chức kiểm tra, xử lý các nhà thầu không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do thi công công trình gây ra đặc biệt là trong đợt cao điểm diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thanh tra Sở phân công nhiệm vụ cho các Đội phối hợp với lực lượng CSGT và Công an các huyện, thành phố phân luồng điều tiết, bảo đảm giao thông tại vị trí các ngã ba, ngã tư, những tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, các tuyến đường dẫn vào các khu vực tổ chức thi trong đợt diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Lưu ý bảo đảm cho các phương tiện vận chuyển đề thi, bài thi an toàn, thông suốt, kịp thời.

Một điểm sạt lở tại Quốc lộ 279D (hướng huyện Mường La ra thành phố Sơn La và ngược lại).
Một điểm sạt lở tại Quốc lộ 279D (hướng huyện Mường La ra thành phố Sơn La và ngược lại)

Tại tỉnh Sơn La với đặc thù địa bàn miền núi, giao thông đi lại khó khăn, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ... địa phương này cũng đã xây dựng các phương án bảo đảm điều kiện ăn, ở, đi lại cho cán bộ làm thi và thí sinh dự thi; quan tâm đặc biệt việc hỗ trợ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Quang Hòa - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tông Lệnh, huyện Thuận Châu cho biết: "Khối 12 của nhà trường có 48 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã kêu gọi sự ủng hộ của Hội chữ thập đỏ huyện Thuận Châu, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La hỗ trợ cho các em. Đặc biệt với phong trào tiếp sức mùa thi, chúng tôi sẽ tổ chức cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ăn sáng, trưa, tối; tạo điều kiện tốt nhất cho các em ở trọ; hỗ trợ thêm tiền trọ; trường hợp thí sinh khó khăn quá thì sắp xếp cho ở trong trường".

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.