Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Muôn sắc trang phục cưới của các dân tộc Việt Nam - Dự án tâm huyết của Hoa hậu Nông Thúy Hằng

Trương Vui - 17:43, 17/08/2023

Nông Thúy Hằng, người con của dân tộc Tày đăng quang Hoa hậu các dân tộc Việt Nam vào tháng 7/2022. Sau đăng quang, với sứ mệnh của mình, nàng hậu sinh năm 1999 tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện, cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động nhằm quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Mới đây, cô đã chính thức công bố Dự án "Muôn sắc trang phục cưới của các dân tộc Việt Nam", với nhiều thông điệp ý nghĩa. Để tìm hiểu về dự án này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi trò chuyện cùng Nông Thúy Hằng.

Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày
Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày

PV: Được biết, Hằng đang tham gia vào Dự án "Muôn sắc trang phục cưới của các dân tộc Việt Nam", với chuỗi hoạt động như chụp các bộ hình thời trang, tổ chức triển lãm, workshop… Xuất phát từ đâu mà Hằng lại có ý tưởng độc đáo như vậy?

Hoa hậu Nông Thúy Hằng: Thực ra ngay từ khi đăng quang Hằng đã ấp ủ việc thực hiện dự án quảng bá trang phục truyền thống 54 dân tộc Việt Nam nhưng vì thời điểm mới đăng quang, công việc cũng bộn bề và còn có những khó khăn nhất định nên Hằng chưa thể thực hiện ngay được.

Vài tháng sau, khi tham gia sự kiện tại Bảo tàng Phụ nữ, Hằng có cơ hội được các anh chị dẫn đi tham quan các gian trưng bày và tận mắt được chiêm ngưỡng một số bộ trang phục cưới của các dân tộc, phải nói là rất độc đáo và cuốn hút Hằng.

Sau ngày hôm đó, Hằng  tự nhắc nhở bản thân mình phải tìm hiểu thêm về đời sống hôn nhân, gia đình và tập tục cưới hỏi của người đồng bào và lên kế hoạch giới thiệu về trang phục cưới của 54 dân tộc. Trong quá trình chuẩn bị và tham khảo ý kiến từ nhiều người, đặc biệt là nhà báo Đào Mạnh Long và Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Việt Hưng, Hằng đã quyết định thực hiện Dự án.

Hằng nhận thấy rằng, thay vì chỉ nói về câu chuyện trang phục thường ngày thì việc lan toả nét đẹp trang phục cưới cũng sẽ giúp mọi người hiểu thêm về văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Không chỉ vậy, thông qua thực hiện Dự án Hằng có cơ hội được mở rộng mạng lưới kết nối với nhiều người thuộc nhiều dân tộc, nghề nghiệp khác nhau khi họ nhận lời tham gia đóng góp cùng Dự án.

PV: Hằng có thể cho biết Dự án được bắt đầu triển khai từ khi nào, gồm những hoạt động chính là gì?

Hoa hậu Nông Thúy Hằng: Dự án được ấp ủ, xây dựng ý tưởng từ cuối năm 2022 và hiện tại đang trong giai đoạn giới thiệu tới công chúng thông qua những bộ ảnh chụp trang phục cưới đẹp mắt, thiết kế hình ảnh trực quan sinh động nhằm tạo sự chú ý cho người xem, cung cấp những thông tin cơ bản về các trang phục cưới của đồng bào; đồng thời cũng kêu gọi các chuyên gia văn hoá quan tâm đến Dự án.

Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Mông
Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Mông

Trong tương lai gần, Dự án cũng hướng tới tổ chức các sự kiện workshop chuyên sâu tại các trường đại học, đưa vào âm nhạc, cũng như điện ảnh hoá các sản phẩm quảng bá của mình. Mục tiêu lớn nhất của Dự án là góp phần lan tỏa thông điệp đưa hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam về tình yêu, gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống.

Ngoài ra, một số hoạt động cũng có thể được mở rộng theo từng giai đoạn, tuỳ điều kiện kinh phí có thể huy động được.

PV: Được biết lịch trình hoạt động của Hằng khá bận rộn. Vậy Hằng dành thời gian nào cho việc tham gia thực hiện Dự án? Theo Hằng, những thuận lợi và khó khăn nào ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Dự án này?

Hoa hậu Nông Thúy Hằng: Tuy lịch trình khá bận rộn nhưng Dự án “Muôn sắc trang phục cưới các dân tộc Việt Nam” vẫn luôn là một trong những ưu tiên của Hằng. Bởi với vai trò là một Hoa hậu các dân tộc, một người con dân tộc Tày, Hằng luôn mong muốn có thể góp sức truyền tải nét đẹp văn hóa các dân tộc đến với mọi người. Trong đó có tập tục cưới, cuộc sống gia đình, quan niệm về hôn nhân… độc đáo, là nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.

Song, do đây là Dự án cá nhân, Hằng tự thực hiện song song với việc học hỏi, mà chưa có đội ngũ cố vấn, chuyên gia đồng hành, do đó Hằng cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Đầu tiên, mỗi dân tộc lại có những nhóm nhỏ khác nhau và những nét riêng biệt ở mỗi vùng miền về ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết… nên rất khó để tìm trang phục chuẩn mực từ quần áo, giày dép, phụ kiện cho đến “cách mặc” từng đồ sao cho đúng.

Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Ê Đê
Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Ê Đê

Cùng với đó, việc chuẩn bị trang phục cũng là một trong những khó khăn đối với Hằng. Bởi người dân cũng khá dè dặt với việc cho người lạ mượn đồ, nhất là những trang phục truyền thống quan trọng thế này. Còn trang phục tại những cơ sở cho thuê đồ dân tộc thì hiện nay đa phần đều đã được cách tân và thường dành cho sân khấu, biểu diễn, không thể được dùng cho Dự án vì không phản ánh đúng trang phục truyền thống.

Ngoài ra, Dự án chưa có nhiều nhà tài trợ tham gia để thực sự bật lên và tạo tiếng vang trong cộng đồng. Đây là điều khiến Hằng khá trăn trở, bởi bản thân Hằng rất mong muốn có thể giới thiệu văn hóa độc đáo của các DTTS đến gần hơn với cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn kể trên, bản thân Hằng khi thực hiện Dự án cũng nhận thấy mình có một số lợi thế nhất định. Với cương vị Hoa Hậu các Dân tộc Việt Nam, có cơ hội được cộng tác với Báo Dân tộc và Phát triển, môi trường gần gũi với đời sống đồng bào DTTS và đặc biệt là Hằng luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của mọi người nữa.

Do đó, Hằng luôn cảm thấy bản thân mình may mắn, hạnh phúc và được tiếp thêm động lực vì biết mình không hề cô đơn trên hành trình chinh phục “Muôn sắc trang phục cưới các dân tộc Việt Nam”.

PV: Hiện tại, ai là người cùng đồng hành, hỗ trợ quan trọng nhất đối với Hằng trong thực hiện Dự án này?

Hoa hậu Nông Thúy Hằng: Sẽ thật là thiếu sót nếu Hằng chỉ kể một vài cái tên, bởi đã có rất nhiều người, dù chỉ chia sẻ một câu chuyện cũng đã giúp được Hằng có thêm nhiều ý tưởng và động lực trên hành trình này. Đây là điều Hằng luôn biết ơn và rất trân quý.

Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Khmer
Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Khmer

Đặc biệt, cho phép Hằng được gửi lời cảm ơn nhà báo Đào Mạnh Long, người đã luôn đồng hành, hỗ trợ ý tưởng cho Hằng khi thực hiện Dự án. Về khâu sản xuất và truyền thông, Hằng xin cảm cô Hàn Phượng và toàn bộ ekip áo cưới Việt Phượng Studio đã hỗ trợ toàn bộ chi phí, nhân lực, giúp Hằng có cơ hội làm việc với Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam, để Hằng mượn được những bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc tại đây.

PV: Hiện Hằng đã thực hiện được bao nhiêu bộ ảnh, cụ thể với trang phục cưới của dân tộc nào? Sắp tới kế hoạch của Dự án sẽ là gì?

Hoa hậu Nông Thúy Hằng: Hiện tại Hằng đã thực hiện được 5 bộ ảnh trang phục cưới của 5 dân tộc đại diện ba miền Bắc - Trung - Nam. Cụ thể là các dân tộc: Tày, Mông, Dao, Ê Đê và Khmer.

Sắp tới, Hằng dự định tổ chức 1 buổi workshop tại CLB sinh viên và các buổi chia sẻ với quy mô lớn hơn về Dự án. Song hành với đó là tìm kiếm thêm các nhà tài trợ, các chuyên gia, để tiếp tục hành trình sản xuất các bộ ảnh, video quảng bá  sắc màu trang phục cưới của các dân tộc Việt Nam đến công chúng.

PV: Theo kế hoạch dự kiến của Hằng, Dự án sẽ hoàn thành trong thời gian bao lâu?

Hoa hậu Nông Thúy Hằng:  Đây là một kế hoạch dài hơi và Hằng nghĩ rằng phải mất đến 5 năm để hoàn thành. Như Hằng đã chia sẻ, “Muôn sắc trang phục cưới các dân tộc Việt Nam” là Dự án đi liền với tên tuổi của Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022 Nông Thuý Hằng, vì vậy, dù phải mất bao nhiêu thời gian, Hằng vẫn sẽ thực hiện và phát triển Dự án.

Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ
Hoa hậu Nông Thúy hằng trong trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ

PV: Thông qua Dự án này, Hằng mong muốn hướng tới điều gì?

Hoa hậu Nông Thúy Hằng: Trang phục cưới được sử dụng trong sự kiện đặc biệt quan trọng của đời người, do đó, ẩn chứa sau nó sẽ là những câu chuyện văn hóa đầy màu sắc. Hằng mong muốn sẽ được góp nhặt những trải nghiệm đó, kể lại bằng ngôn ngữ thời trang, góp sức mình trong hành trình gìn giữ, quảng bá, truyền tải những thông điệp về tình yêu, hôn nhân và nét đẹp văn hóa của từng dân tộc.

Đồng thời, Hằng cũng hi vọng Dự án này sẽ là tiền đề để thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục sứ mệnh lan toả văn hoá dân tộc, góp phần đưa hình ảnh một Việt Nam giàu bản sắc đến với bạn bè quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.