Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Mường Lát (Thanh Hóa): Nan giải bố trí đất sản xuất cho người dân ở các bản tái định cư sau lũ

Quỳnh Trâm - 20:27, 13/01/2021

Sau trận lũ lịch sử năm 2018, hàng trăm hộ dân của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã chịu thiệt hại nặng nề về người, mất nhà cửa, tài sản. Thời gian qua, chính quyền các cấp đã nhanh chóng vào cuộc, xây dựng các khu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Đến nay, về cơ bản, bà con đã có nhà cửa kiên cố, song lại thiếu kế sinh nhai do không có đất sản xuất.

Ông Vạn (bên phải) cho biết, cuộc sống gia đình khó khăn, không đủ ăn vì thiếu đất sản xuất
Ông Vạn (bên phải) cho biết, cuộc sống gia đình khó khăn, không đủ ăn vì thiếu đất sản xuất

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm bản Pọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Đây là bản tái định cư (TĐC) cho người dân bản Pọng đã mất nhà cửa sau trận đại hồng thủy năm 2018. 

Thấy khách đến, những người trong bản niềm nở dẫn chúng tôi đi thăm từng nhà. Bên bếp lửa được đốt lên xua bớt giá lạnh mùa đông, bà con bùi ngùi nhắc lại ký ức đau buồn của hơn 2 năm về trước. 

Khi ấy, trận lũ kinh hoàng từ đâu bất ngờ ập đến, cuốn phăng bản làng. Sau cơn hoạn nạn, người dân được hỗ trợ để chuyển đến nơi ở mới an toàn, xây dựng lại nhà cửa khang trang và kiên cố. Giờ đây, mùa mưa lũ bà con đã không còn nơm nớp lo như thuở trước.

“Nhờ có Nhà nước và chính quyền quan tâm, hỗ trợ hết sức nên chúng tôi mới vượt qua được khó khăn lúc đó”, bà Hà Thị Chung, một người dân trong bản nói.

Đã yên tâm phần nào vì có nơi ăn chốn ở ổn định, thế nhưng suốt 2 năm qua, bà con bản Pọng lại phải đối mặt với nỗi lo về sinh kế khi không có đất sản xuất. Cách trung tâm thị trấn Mường Lát khoảng 3km, bản TĐC được xây dựng trên một quả đồi với 89 nóc nhà. 

Trong đó, chủ yếu là những ngôi nhà sàn gỗ, nhà ở đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Diện tích đất hẹp nên mặt bằng TĐC chỉ đủ cho các hộ dân dựng nhà san sát nhau, ngoài ra không còn khoảng trống để bà con làm vườn trồng rau hay nuôi gà, lợn như các bản miền núi thường thấy.

Bà Chung cho biết, sau trận lũ năm ấy, ruộng đồng bên bờ suối đã bị lấp sạch, giờ chỉ còn là một bãi sỏi đá không thể canh tác được. Do vậy, thiếu gạo ăn là nỗi lo thường trực của gia đình.

Bà Chung kể, gia đình có 6 người, thuộc hộ nghèo. Không có ruộng, bà chuyển sang trồng lúa nương để lấy gạo ăn. Song, nương rẫy đã bạc màu do đồi đất dốc, bị xói mòn nhiều. Dù cố gắng lắm một vụ cũng chỉ được 5 bao lúa nên cả nhà phải ăn dè sẻn. Con trai của bà ở tuổi lao động nhưng cũng không có việc làm. Chồng bà  hàng ngày vào rừng kiếm thêm chút lâm sản phụ để bán lấy tiền, nhưng cũng không ăn thua.

Tiếp lời bà Chung, gia đình anh Hà Văn Vạn (46 tuổi), cách nhà bà Chung không xa. Anh Vạn nói, dù vợ chồng vẫn còn khỏe mạnh nhưng thời gian qua anh chị không có công việc gì để làm.

“Bao đời nay, gia đình đều làm nông để có cái ăn. Nhà có 4 sào ruộng thì bị lũ lấp hết từ năm 2018 rồi, không cải tạo được, giờ đã thành dòng suối. Ở khu tái định cư này thì đất hẹp nên cũng không chăn nuôi được gì. Tôi có mượn đất để làm nương rẫy nhưng đồi núi cao quá cũng không trồng được”, anh Vạn bộc bạch.

Để nuôi gia đình, 2 người con trai của anh Vạn ra thành phố tìm việc làm thuê rồi gửi tiền về nuôi bố mẹ.“Công việc làm thuê của chúng nó cũng không ổn định, khi có khi không nên thành ra cũng cứ thiếu ăn”.

Là một trong số những hộ khá giả ở bản Pọng, anh Hoàng Duy Khánh (38 tuổi) cho biết, thu nhập mỗi năm của gia đình anh khoảng 22 triệu đồng. Hai vợ chồng anh cải tạo lại được 3 sào ruộng, nuôi thêm 10 con bò để làm kế sinh nhai.

“Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng phải cố gắng thôi, vì không còn cách nào khác”, anh Khánh nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát thừa nhận, tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế cho người dân không chỉ xảy ra ở bản Pọng, mà là khó khăn chung đối với một số bản TĐC khác của huyện.

Ông Bình nói, trước mắt huyện đang thực hiện thúc đẩy việc giải quyết việc làm, tìm hướng thoát nghèo cho người dân bằng con đường xuất khẩu lao động, đào tạo nghề đưa thanh niên đi làm công nhân cho các công ty trong nước. Song, ông Bình cũng băn khoăn vì hiện tại, vẫn có một bộ phận còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ Nhà nước, chưa chủ động để tìm cách thoát nghèo.


Tin cùng chuyên mục
Khai mạc Hội thao chào mừng Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc lần thứ XI, năm 2024

Khai mạc Hội thao chào mừng Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc lần thứ XI, năm 2024

Ngày 20/4, tại Tp.Quy Nhơn, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đăng cai tổ chức Hội thao lần thứ XI, năm 2024 chào mừng Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2024). Đây cũng là hoạt động thiết thực, thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5); 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024).