Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Năm 2021, quyết tâm bao phủ bảo hiểm y tế với người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo

PV - 17:15, 15/01/2021

Ngày 15/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam chủ trì Hội nghị tổng kết công tác người cao tuổi năm 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thu hút người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tại Hội nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đánh giá cao vai trò của người cao tuổi trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường… trong đời sống xã hội.

Về kết quả thực hiện công tác năm 2020 cũng như việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan, các ý kiến thảo luận về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách; trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần, thể dục thể thao, giải trí, du lịch... Các ý kiến đề nghị cân nhắc độ tuổi, bố trí việc làm phù hợp với người cao tuổi.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 13 triệu người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên. Riêng năm 2019-2020, cả nước có thêm khoảng 1,1 triệu người dân tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, tỷ lệ người cao tuổi tham gia lớn, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên.

Đề xuất xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để thu hút người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông Trần Đình Liệu cho biết, trước mắt, khi Luật Bảo hiểm xã hội chưa được sửa đổi, có thể nâng mức hỗ trợ của ngân sách cho người tham gia bảo hiểm xã hội theo từng nhóm. Đối với nhóm người cao tuổi, số tiền hỗ trợ không lớn, dự kiến chưa đến 200 tỷ đồng/năm.

"Nếu có đề án, mục tiêu thực hiện theo lộ trình, Việt Nam có thể đạt và vượt kế hoạch về chính sách bảo hiểm cho người dân, đặc biệt người cao tuổi. Mục tiêu đến năm 2021, quyết tâm thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế hết số 5% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo còn lại", Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất.

Các ý kiến cho rằng, Nghị quyết 28-NQ/TW là "cuộc cách mạng" đi sâu vào các vấn đề của bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm y tế, tạo nền tảng của an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bền vững bởi hai trụ cột quan trọng nhất trong thụ hưởng an sinh là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trước thực tế còn khoảng 5% người già thuộc diện hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế, các ý kiến đề xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch giao nhiệm vụ cho từng địa phương, nâng cao mức hỗ trợ, tập trung hỗ trợ theo nhóm đối tượng, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng người cao tuổi.

Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam thống nhất, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các chính sách liên quan đến người cao tuổi, gắn chặt với xóa nghèo đa chiều.

Trước yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong năm 2021, quyết tâm triển khai hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 5% số người cao tuổi thuộc diện nghèo chưa có bảo hiểm y tế (trên 500 nghìn người), Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam thống nhất giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tổng hợp các nguồn lực của nhà nước dành cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, trong đó có đối tượng người cao tuổi, trên tinh thần "phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng, từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua kênh bảo hiểm".

Nâng cao trách nhiệm toàn xã hội về công tác người cao tuổi

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2020, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số; trong đó khoảng 1,98 triệu người trên 80 tuổi; gần 4,8 triệu người cao tuổi là nam; gần 7,7 người cao tuổi sống ở nông thôn. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước; hơn 1,8 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp hàng tháng; hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng và 3,1 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Năm 2020, trước tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giúp đỡ người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ bố trí hơn 18 nghìn tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng, trong đó giúp đỡ hơn 1,8 triệu người cao tuổi, 10 nghìn người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Hiện cả nước có 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 12,1 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế.

Các hoạt động liên quan đến người cao tuổi đã có những đổi mới tích cực. Trong hoạt động truyền thông, những đổi mới về nội dung, phương pháp, đối tượng, thời điểm đã tạo hiệu quả thực chất trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong công tác người cao tuổi. Các địa phương chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người cao tuổi, thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020; kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2020. Điển hình, 12 tỉnh, thành phố nâng mức trợ cấp xã hội, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ người cao tuổi như: Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi; đời sống người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước; mức trợ cấp xã hội với người cao tuổi còn thấp; cơ sở vật chất tại một số cơ sở còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư; công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi còn nhiều bất cập…

Về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tập trung đánh giá, tổng kết chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực công tác người cao tuổi giai đoạn 2010-2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2030; triển khai thực hiện tốt Luật Người cao tuổi và các chính sách, chương trình, đề án, dự án giai đoạn 2021-2030, bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Người cao tuổi sửa đổi; nhân rộng các mô hình câu lạc bộ người cao tuổi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hợp tác quốc tế...