Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nan giải bài toán thiếu giáo viên ở Quảng Ngãi

Thành Nhân - 20:55, 05/10/2020

Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực đối với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã 2 lần tổ chức thi tuyển giáo viên (GV), nhưng tình trạng thiếu GV vẫn tiếp diễn.

Việc các Trường DTNT thiếu giáo viên sẽ rất khó cho việc dạy và quản lý học sinh. (Ảnh minh họa)
Việc các Trường DTNT thiếu giáo viên sẽ rất khó cho việc dạy và quản lý học sinh. (Ảnh minh họa)

Dừng môn học vì thiếu giáo viên

Dù năm học 2020 - 2021 đã trôi qua hơn 1 tháng, nhưng tình trạng thiếu GV ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa được giải quyết. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, nhiều nhất là ở thị xã Đức Phổ, thiếu 241 GV ở cả 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Còn tại TP. Quảng Ngãi, tổng số biên chế được giao 2.474 GV, nhưng tổng số biên chế hiện có chỉ có 2.317 GV. Huyện Ba Tơ thiếu 34 GV. Trà Bồng thiếu hơn 50 GV. Huyện Sơn Tịnh còn thiếu 13 GV mầm non.

Điều đáng nói là cho dù từ năm 2017 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã 2 lần tổ chức thi tuyển GV, nhưng vẫn không đủ GV đứng lớp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là, nhiều GV khi trúng tuyển vào các trường miền núi, sau một thời gian lại xin chuyển về đồng bằng, khiến các trường ở miền núi lại rơi vào tình cảnh thiếu GV.

Thầy Nguyễn Mậu Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Lế (Ba Tơ) cho biết: “Trường đăng ký tuyển GV môn Tin học, nhưng vẫn chưa được, vì GV dự tuyển không đạt. Nhà trường đã thông báo hợp đồng GV, nhưng lại không có ai nộp hồ sơ. Do đó, năm học này học sinh chưa được học môn Tin học dù nhà trường đã có đầy đủ máy móc thiết bị”.

Tương tự, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Sơn Trà (Trà Bồng) cũng đang thiếu 3 GV THCS và 2 GV tiểu học, nhưng trường không hợp đồng được GV. Ông Nguyễn Hữu Duy, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Mặc dù Nhà trường linh động sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên nâng mức chi trả phí cao hơn so với quy định cho GV hợp đồng. Tuy nhiên, trường cách xa trung tâm huyện đến 50km, nên nhiều người ngại nộp hồ sơ xét tuyển về trường.

Chưa có giải pháp lâu dài

Trước thực tế nay, thời gian qua, ngành Giáo dục Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu GV, như rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, sáp nhập các điểm trường để có đủ GV.

Tại thị xã Đức Phổ, để bảo đảm công tác giảng dạy, các trường học trên địa bàn tỉnh hợp đồng GV. Ngoài ra, Phòng Giáo dục thực hiện phân công GV dạy liên trường; bố trí GV dạy thêm môn để bảo đảm số tiết/tuần theo quy định. Tuy nhiên, điều này sẽ thiệt thòi cho học sinh, bởi GV vốn được đào tạo đơn môn sẽ khó bảo đảm chất lượng giáo dục; mức lương hợp đồng thấp lại công tác ở vùng cao cũng khó thu hút GV.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho hay: Một giải pháp quan trọng là tổ chức tuyển dụng GV. Đến nay, đã có 8 huyện, thành phố tổ chức thi tuyển GV, tuy nhiên vẫn còn 6 huyện mới tổ chức thi vòng 1. Trong khi chờ đợi bố trí biên chế, Sở đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục linh hoạt ghép các lớp học bậc mầm non và tiểu học để bảo đảm GV giảng dạy.

Đối với các trường hai cấp học, linh hoạt bố trí cho GV chưa đủ tiết dạy kiêm nhiệm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Các địa phương cần nhanh chóng bố trí biên chế về các trường, để bảo đảm chương trình giảng dạy trong năm học.

Trao đổi về thực trạng và giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu GV, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ để báo cáo và xin bổ sung gần 1.200 GV. Trong khi chờ ý kiến, tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Giáo dục, các địa phương nghiên cứu kỹ Bộ luật Lao động, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho GV hợp đồng theo Nghị quyết 102.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.