Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở địa bàn khó khăn

Trọng Bảo - 23:04, 26/03/2020

Sìn Hồ là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Trước đây, chất lượng đảng viên và hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Nhờ thực hiện tốt Nghị quyết về nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên, gắn với xây dựng củng cố chi bộ bền vững mà đến nay, chất lượng đảng viên và hoạt động của các chi bộ đã có sự khởi sắc.

Người dân xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập
Người dân xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập

Năm 2011, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ mới có 7 chi bộ. Đến nhiệm kỳ đại hội 2015 - 2020, Đảng ủy xã đã thực hiện điều động các đảng viên từ xã về các bản, đầu tiên là thành lập các chi bộ ở các bản còn “trắng” chi bộ. Với cách làm này, cuối năm 2015 toàn xã đã có 17 chi bộ.

“Đến thời điểm này, các bản đã có đủ đảng viên là người địa phương để thành lập chi bộ và hoạt động rất hiệu quả”, ông Sùng A Di, Bí thư Đảng ủy xã Tủa Sín Chải cho biết.

Đến nay, Tủa Sín Chải đã không còn tình trạng bản “trắng” chi bộ và đảng viên. Số đảng viên là người DTTS không ngừng tăng lên và trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế để Nhân dân học tập và làm theo.

Trước đây, gia đình ông Giàng Phá Vừ, ở bản Tủa Sín Chải thuộc diện khó khăn trong xã. Với cương vị là đảng viên trong bản, ông Vừ mạnh dạn đi đầu chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây như sa nhân, thảo quả… vào trồng. Từ đó, đời sống của gia đình ông đã từng bước thay đổi, thu nhập của gia đình cải thiện qua từng năm.

“Mình là đảng viên nên phải tiên phong đi đầu thì bà con mới tin tưởng làm theo. Giờ nhiều hộ trong bản cũng biết trồng thảo quả, sa nhân, thu nhập mỗi năm cũng vài chục triệu đồng. Đồng thời, vận động học sinh đến trường, đến lớp, tổ chức vệ sinh môi trường trong bản, nhốt trâu, nhốt bò không để lây lan dịch bệnh. Cả bản đã không còn hộ đói, nghèo mà đã đủ ăn, đủ mặc rồi”, ông Vừ cho biết.

Những đổi thay ở Đảng bộ xã Tủa Sín Chải, chỉ là một trong rất nhiều đổi thay của tổ chức cơ sở đảng địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Sìn Hồ. Quan tâm, bám sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề ra các giải pháp thiết thực giúp đỡ các tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở các vùng khó khăn được huyện Sìn Hồ đặc biệt quan tâm triển khai. Chính những giải pháp này, đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng phát triển theo chiều sâu. Đồng thời, nâng hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện 2015 - 2020 đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Thao, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Sìn Hồ cho biết, chủ trương phân công các đảng ủy viên ở Đảng bộ xã về giúp các bản; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng ở các bản vùng sâu, vùng xa đã tăng thêm tính bền vững của chi bộ, củng cố đội ngũ lãnh đạo nhất là Bí thư, Phó Bí thư. 

Hệ thống chính trị được tăng cường, củng cố tạo chuyển biến tích cực đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Sìn Hồ. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 - 5%/năm; an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Tin cùng chuyên mục
Đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể - Điều không dễ !?

Đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể - Điều không dễ !?

Cùng với Ca trù và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, hồ sơ Mo Mường đã được Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa vào danh sách này. Nhưng sau khi được đưa vào danh sách thì cần phải làm gì, làm như thế nào để đổi danh hiệu cho di sản, từ “cần được bảo vệ khẩn cấp” sang “đại diện của nhân loại” là điều không dễ.