Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn): Giải pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật (Bài 1)

Văn Hoa - 18:55, 27/08/2023

Nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, thời gian qua, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động đồng bào DTTS, qua đó, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu dẫn đến phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, người dân an tâm phát triển sản xuất, đoàn kết xây dựng thôn, bản ngày càng phát triển.

Còn nhiều diễn biến phức tạp về an ninh trật tự

Chi Lăng là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, dân số 75.960 người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 84%, gồm dân tộc Nùng chiếm 48,9%, dân tộc Tày chiếm 34%, còn lại là các DTTS khác. Trên địa bàn huyện Chi Lăng có 20 xã, thị trấn, thì còn 8 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. 

Đặc biệt, với đặc thù địa lý là, phía Bắc Chi Lăng giáp với huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn; phía Đông giáp huyện Lộc Bình; phía Tây giáp huyện Văn Quan; phía Nam giáp huyện Hữu Lũng và huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang...Do đó, bên cạnh những mặt thuận lợi về phát triển kinh tế – xã hội, các yếu tố này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, nhất là tình trạng ẩu đả gây thương tích và trộm cắp tài sản.

Đồng chí Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng dự diễn đàn “ Đối thoại với Công an cấp xã” năm 2023. (Ảnh TL)
Đồng chí Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng dự diễn đàn “ Đối thoại với Công an cấp xã” năm 2023. (Ảnh TL)

 Minh chứng như, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Chi Lăng xảy ra 9 vụ phạm pháp hình sự, làm 6 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 72 triệu đồng. Trong đó, tội phạm cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản chiếm trên 80% tổng số vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn bột phát do sử dụng rượu bia; một bộ phận người dân chưa nêu cao ý thức cảnh giác tự bảo vệ tài sản. 

Cũng từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn đã điều tra, làm rõ 9 vụ 12 đối tượng (tỷ lệ khám phá án đạt 100%), thu hồi tài sản trị giá khoảng 8 triệu 600 nghìn đồng. Lập hồ sơ đưa 1 đối tượng vào Trường giáo dưỡng, 2 đối tượng vào Cơ sở giáo dục bắt buộc.

Đáng chú ý khác, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo qua không gian mạng diễn biến phức tạp, nổi lên là các thủ đoạn như: Thông báo trúng thưởng, vay tiền qua App (ứng dụng vay tiền online), tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng, giả danh lực lượng Công an, Viện kiểm sát… để lừa đảo. Tệ nạn đánh bạc còn xảy ra với nhiều hình thức như số đề, tú lơ khơ, xóc đĩa. Qua đấu tranh, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt 99 vụ 53 đối tượng đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa, ghi số lô, số đề, thu giữ số tiền trên 53 triệu đồng. Đã khởi tố 6 vụ 37 bị can, xử phạt hành chính 2 vụ 10 đối tượng, với tổng số tiền phạt 24 triệu 500 nghìn đồng, đang củng cố hồ sơ 1 vụ 6 đối tượng để xử lý theo quy định…

Công an xã Bắc Thủy đến từng bộ dân hỗ trợ cài đặt Tài khoản định danh điện tử và lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân. (Ảnh: Công an xã Bắc Thủy)
Công an xã Bắc Thủy đến từng bộ dân hỗ trợ cài đặt Tài khoản định danh điện tử và lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân. (Ảnh: Công an xã Bắc Thủy)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền 

Trước tình hình liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự với nhiều diễn biến phức tạp, huyện Chi Lăng đã tập trung quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 

 Huyện cũng đã  ban hành chương trình, kế hoạch như, Kế hoạch số 04/KH-UBND ban hành ngày 17/01/2022 về bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Chi Lăng; Kế hoạch số 27/KH-BCĐ, ngày 13/5/2022 của Ban Chỉ đạo 138 huyện về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ...để triển khai thực hiện.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và nòng cốt là lực lượng Công an thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, chú trọng công tác xây dựng nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.

Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, thời gian qua, huyện Chi Lăng đã tổ chức tuyên truyền trên 500 cuộc, với hơn 30.439 lượt người nghe; tổ chức cho 100% các hộ gia đình, cán bộ, công nhân viên, học sinh... ký cam kết chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức tuyên truyền 280 cuộc, với 28.780 lượt người tham gia. BCĐ 138 cấp xã tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại  20/20 xã, thị trấn.

 Riêng lực lượng Công an, để đảm bảo ANTT trên địa bàn, đơn vị chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thị trấn xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai nhiều biện pháp. Lực lượng cũng đã ban hành trên 40 phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội và các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đi qua địa bàn; tổ chức phát động tập trung 2 cuộc; tổ chức 13 Diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân, qua đó đã nghe, giải đáp 174 ý kiến tham gia của quần chúng Nhân dân; Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; thường xuyên gọi hỏi, răn đe, cảm hóa giáo dục đối tượng; tăng cường tuần tra vũ trang, tuần tra nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và giải quyết các vụ việc.

Vùng đồng bào DTTS được coi là “vùng trũng” về tiếp cận pháp luật, do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, ngăn ngừa tội phạm là hết sức cần thiết
Vùng đồng bào DTTS được coi là “vùng trũng” về tiếp cận pháp luật, do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, ngăn ngừa tội phạm là hết sức cần thiết

Xây dựng các mô hình

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện chỉ đạo rà soát, xây dựng những mô hình điểm về ANTT phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Hiện toàn huyện có  6 mô hình bảo đảm an ninh trật tự mới, gồm: Mô hình “Zalo an ninh”, “Tổ an ninh xanh” tại thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng; mô hình “tự quản về ANTT thôn Làng Bu” tại xã Lâm Sơn; mô hình “tuyên truyền, vận động xóa bỏ cây có chứa chất ma túy” tại xã Thượng Cường; mô hình “Tổ dân cư tự quản về ANTT tại thôn Quán Bầu Đồng Ngầu” và mô hình “Liên kết đảm bảo ANTT Công an - Nhà trường - khu dân cư xã Chi Lăng” tại xã Chi Lăng...

Nhân rộng 2 mô hình hoạt động hiệu quả được BCĐ 138 công nhận, gồm: mô hình Dòng họ Nguyễn văn tự quản về ANTT tại thôn Suối Phầy, xã Hữu Kiên; mô hình Hội hiếu tự quản về ANTT tại xã Thượng Cường. Tiếp tục duy trì, kiện toàn các “Tổ hòa giải” tại 159 thôn trên địa bàn huyện, giải quyết triệt để nhiều vụ việc tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp đất rừng góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở; Tăng cường công tác quản lý, giáo dục những trường hợp có nguy cơ vi phạm pháp luật cao; những đối tượng  án phạt ngoài xã hội...

Hoạt động của các mô hình đang góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ vững ANTT ở cơ sở.

Bà Vi Thị Trường, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng chia sẻ: Cấp uỷ, chính quyền thị trấn chỉ đạo rất sát sao, lực lượng chức năng rất quyết liệt trong triển khai các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Nhờ vậy, tình hình ANTT đảm bảo, tôi thấy rất yên tâm khi cư trú tại địa bàn này.

Có thể thấy, bằng sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các biện pháp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt chú trọng là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng các mô hình bảo đảm an ninh trật tự, thu hút sự quan tâm tham gia của người dân, tình hình ANTT trên địa bàn huyện Chi Lăng đang có sự chuyển biến tích cực,  góp phần giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm lao động, công tác, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.