Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS từ kinh tế rừng: Thu nhập từ rừng vẫn thấp (Bài 1)

Sỹ Hào - 07:15, 11/03/2024

Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, người DTTS làm lâm nghiệp có mức thu nhập bình quân bằng 1/2 bình quân chung cả nước. Để thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì cần sớm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong sản xuất lâm nghiệp hiện nay.

Kinh tế rừng là đòn bẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Kinh tế rừng là đòn bẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Để nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng thì việc giao đất, giao rừng sản xuất cho đồng bào DTTS là điều kiện cần. Tuy nhiên, công tác giao rừng, đất rừng sản xuất cho đồng bào DTTS vẫn còn nhiều bất cập, hoạt động sản xuất lâm nghiệp của người dân miền núi vẫn còn manh mún, chưa tạo đột phá trong nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng.

Sản xuất vẫn manh mún

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước đã giao khoảng 3,18 triệu ha rừng (chủ yếu là rừng sản xuất) cho trên 1 triệu hộ gia đình, cá nhân để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trước đó, tại thời điểm tháng 12/2016, cũng theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích rừng đã giao cho hộ gia đình, cá nhân trên cả nước là 2,9 triệu ha (trong đó có 936 nghìn ha được giao cho 439. 374 hộ gia đình DTTS).

Đối chiếu các dữ liệu trên cho thấy, sau 8 năm (2016 – 2024), diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân (chủ yếu là người DTTS) quản lý, sử dụng đã tăng lên, nhưng không nhiều. Đặc biệt, diện tích rừng được giao vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Tại thời điểm năm 2016, trung bình mỗi hộ gia đình chỉ được giao khoảng 2,7ha/hộ; còn đến thời điểm này, diện tích giao có tăng lên, nhưng cũng ở mức trung bình khoảng hơn 3ha/hộ.

Sau 03 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu cao. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm, riêng năm 2023 thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các - bon rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành Lâm nghiệp.

Đáng chú ý, diện tích rừng (chủ yếu là rừng tự nhiên đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ) giao cho cộng đồng dân cư quản lý có xu hướng giảm xuống. Năm 2016, cả nước có 1,1 triệu ha rừng được giao cộng đồng quản lý; trong đó có 805 nghìn ha được giao cho 12.095 cộng đồng DTTS quản lý. Nhưng đến nay, diện tích rừng được giao cho cộng đồng giảm xuống còn khoảng 0,99 triệu ha rừng (gồm đã giao và tự công nhận), cho hơn 10 nghìn cộng đồng, bao gồm cộng đồng các DTTS.

Kết quả giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư được ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) thông tin tại Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới” tổ chức ngày 27/2/2024. Theo ông Lực, nguyên nhân khiến việc giao rừng còn chậm là do quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, chưa thống nhất; công tác giao rừng chưa đồng bộ với giao đất, thuê đất lâm nghiệp.

“Công tác giao đất, giao rừng triển khai chậm còn do thiếu nguồn kinh phí để thực hiện, dẫn đến còn nhiều diện tích rừng tự nhiên chưa có chủ nên UBND cấp xã đang phải quản lý và tổ chức khoán cho cộng đồng địa phương bảo vệ”, ông Lực cho biết.

Tại Hội thảo này, PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam, cũng đã có những đánh giá xác đáng về thực trạng giao rừng cho cộng đồng dân cư. Theo ông Ngãi, hiện các cộng đồng dân cư được giao rừng sản xuất nhưng không có các quyền như các chủ rừng khác, như: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao... Điều này khiến cộng đồng dân cư chưa thiết tha nhận đất để trồng rừng sản xuất, dẫn tới việc giao đất, giao rừng chậm.

Thu nhập chưa tương xứng

Theo số liệu mới nhất, ngành Lâm nghiệp đang tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp; đồng thời góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho khoảng 25 triệu người dân sống gần rừng. Tuy nhiên, thu nhập của người được giao đất để trồng rừng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành Lâm nghiệp.

Một thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, thu nhập trên mỗi ha rừng trồng chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm. Với diện tích rừng được giao còn nhỏ lẻ như hiện nay (trên 3ha/hộ) thì thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình, cá nhận được giao rừng cũng chỉ hơn 30 triệu đồng/năm.

Với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng, thu nhập bình quân còn thấp hơn. Theo Thông tư 21/2023/TT-BTC ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 thì mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân là 300 nghìn đồng/ha/năm. Giai đoạn 2016 – 2020, theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP thì mức hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng là 400 nghìn đồng/ha/năm.

Người trồng rừng chưa có thu nhập cao từ kinh tế rừng. (Trong ảnh: Người dân huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu trồng rừng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao của địa phương).
Người trồng rừng chưa có thu nhập cao từ kinh tế rừng. (Trong ảnh: Người dân huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu trồng rừng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao của địa phương).

Theo quy định hiện hành, diện tích tối đa được nhận khoán, bảo vệ rừng là 30ha. Vị chi, mỗi năm hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng chi có thu nhập tối đa 9 triệu đồng (trước đó, theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, tối đa là 12 triệu đồng/năm). Trong khi theo tính toán của các chuyên gia, để bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả thì nhu cầu tối thiểu phải được 1 triệu đồng/ha; tương đương khoảng 30 triệu đồng/ha/năm nếu nhận khoản bảo vệ diện tích rừng tối đa.

Trước thực tế thu nhập của người trồng rừng cũng như hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng còn rất thấp, Phó Cục trưởng Cục lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho rằng, một trong những giải pháp cần triệt khai quyết liệt là đẩy mạnh giao đất, giao rừng theo Luật Lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống gần rừng, trong rừng. Việc giao đất, giao rừng cũng phải gắn với chính sách hỗ trợ đồng DTTS, người dân ở khu vực miền núi, từ đó góp phần tạo sinh kế, thúc đẩy giảm nghèo bền vững cho địa bàn này.

Ngoài ra, ông Lực cũng kiến nghị, để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, giải quyết vấn đề đất sản xuất cho người dân khu vực miền núi, đồng bào DTTS, hạn chế tình trạng tranh chấp đất đai thì cần chú trọng công tác giao rừng đối với diện tích rừng chưa có chủ. Bởi hiện vẫn còn một diện tích rừng rất lớn đang giao cho UBND cấp xã quản lý, nhưng không hiệu quả; trong khi nhiều hộ gia đình thực sự có nhu cầu được giao đất, giao rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tiểu dự án 1 – Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg đặt mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ NN&PTNT, kinh phí hỗ trợ nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng cũng chỉ ở mức 300 nghìn đồng/ha/năm, tương tự mức hỗ trợ trong Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền bững. Định mức hỗ trợ thấp không chỉ không tác động nhiều đến việc nâng cao đời sống cho người dân mà còn khiến người dân ở miền núi chưa thiết tha nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Nỗ lực này không chỉ góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn là giải pháp để Kiên Giang cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững.