Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Nắng nóng gay gắt: Ăn uống thế nào để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm?

Minh Nhật - 15:17, 04/05/2024

Thời tiết nắng nóng dễ làm thực phẩm ôi thiu, hư hỏng, do đó người dân cần chú ý từ khâu lựa chọn thực phẩm, bảo quản, đến chế biến thức ăn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn, là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia…

Với thực phẩm cần bảo quản lạnh giữ nhiệt độ dưới 4 độ C
Với thực phẩm cần bảo quản lạnh giữ nhiệt độ dưới 4 độ C

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Đồng thời nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa. Trong khi đó nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu…

Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ khỏe lại sau vài ngày; trong trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Tiết chế Dinh dưỡng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nhiệt độ cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, việc không rửa tay hoặc rửa tay không đúng cách thì nguy cơ tăng mắc các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm. Lây nhiễm chéo từ thực phẩm sống và chín cũng là một con đường gây ngộ độc thực phẩm.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, bác sĩ Vũ khuyến cáo người dân cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống sôi.

Chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng. Không chọn những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học, hoặc các loại thực phẩm chứa độc như nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc,…

"Với thực phẩm cần bảo quản lạnh thì giữ nhiệt độ dưới 4 độ C và thực phẩm bảo quản nóng cần duy trì nhiệt độ trên 60 độ C. Nếu thực phẩm đã chế biến để nhiệt độ phòng thì nên dùng trong 1 giờ, đối với thực phẩm thừa cần làm nóng trước khi sử dụng. Cần bảo quản thực phẩm sống và chín riêng biệt, đặc biệt là để trong tủ lạnh", bác sĩ Niên chia sẻ.

Rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống. Làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến món ăn. Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống; rửa sạch bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm.

Sơ chế thực phẩm trước khi bảo quản
Sơ chế thực phẩm trước khi bảo quản

"Cần chú ý dụng cụ chế biến riêng biệt từ thớt, dao cho thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo", bác sĩ Niên khuyến cáo.

Bên cạnh đó, các bác sĩ lưu ý cần thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi, chỉ ăn ở những nơi đảm bảo vệ sinh, tránh những nơi bụi bẩn, ẩm thấp; bảo quản, chế biến thức ăn đúng cách tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc…

Một số tác nhân có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm

Vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn gây bệnh thương hàn) gây ra các triệu chứng buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, sốt và tiêu chảy.

Độc tố tụ cầu Staphylococcus có trong sữa, thịt gia cầm chưa nấu chín gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mạch đập nhanh, tiêu chảy.

Độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum trong thịt cá bị ươn, ôi thiu có thể phá hủy hệ thần kinh trung ương và hành tủy, gây tử vong.

Độc tố vi nấm Aflatoxin trên các loại hạt như lạc, đậu nành, hướng dương, điều, ngô; các loại bột từ những hạt này khi bị nấm mốc.

Các loại vi rút viêm gan A (HAV) và các ký sinh trùng trong các loại thực phẩm như rau sống, thức ăn chế biến nguội; các loại nhuyễn thể như sò, ốc, hến sống ở vùng nước bẩn.

Sán lá gan nhỏ trong các món ăn chế biến từ gỏi cá sống, cá nướng, ốc chưa luộc chín.

Các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, selenium lẫn trong thực phẩm.

Tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.

Các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm không được phép sử dụng hoặc dùng quá liều lượng, quá thời hạn…