Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Liên tiếp xảy ra các vụ học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm

Minh Nhật - 05:46, 29/03/2024

Những ngày qua, tại nhiều địa phương trên cả nước, đã xuất hiện các trường hợp học sinh ngộ độc sau khi ăn các loại kẹo lạ bán trước cổng trường, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ mất an toàn từ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Loại kẹo không rõ nguồn gốc mà các học sinh Trường trung học cơ sở Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành đã mua ăn và bị ngộ độc.
Loại kẹo không rõ nguồn gốc mà các học sinh Trường THCS Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành đã mua ăn và bị ngộ độc

 Sáng 28/3, tại Quảng Ngãi, hàng chục học sinh nghi ngộ độc do ăn kẹo không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, trước cổng Trường THCS Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành) bày bán loại kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Công an xã Tín Tây Hành phối hợp lực lượng liên quan thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, phát hiện ông Nguyễn Đình Nhị (sinh năm 1988, ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây), là chủ quán Nhị Ka đang bày bán 0,8 kg kẹo dạng viên có vỏ bọc, vỏ kẹo có nhiều màu sắc, không có nhãn hiệu và nguồn gốc, xuất xứ

Quá trình làm việc ban đầu, lực lượng chức năng xác định, ngày 25/3, ông Nguyễn Đình Nhị mua 4 gói kẹo có đặc điểm nêu trên tại chợ Quảng Ngãi, trọng lượng mỗi gói là 0,5 kg với số tiền 50.000 đồng/kg để về bán lại với giá 1.000 đồng/4 viên.

Đến thời điểm Đoàn liên ngành của xã kiểm tra, ông Nguyễn Đình Nhị đã bán số kẹo này cho nhiều em học sinh của Trường THCS Hành Tín Tây, chỉ còn lại 0,8 kg

Lực lượng chức năng huyện Nghĩa Hành xác minh, xử lý vụ việc theo quy định.
Lực lượng chức năng huyện Nghĩa Hành xác minh, xử lý vụ việc theo quy định

Làm việc với lực lượng chức năng, Ban Giám hiệu Trường THCS Hành Tín Tây xác định, có một số lượng lớn học sinh của trường đã mua, sử dụng trong các ngày qua đang có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tức ngực. Đến thời điểm hiện tại, có 15 em học sinh có biểu hiện ngộ độc được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành nhập viện để theo dõi sức khỏe. Vụ việc đang được Công an huyện Nghĩa Hành xác minh, xử lý theo quy định.

Đây không phải trường hợp duy nhất hàng loạt học sinh có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn các loại kẹo lạ được bày bán ở cổng trường. Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước, đã diễn ra tình trạng học sinh có các biểu hiện nghi bị ngộ độc do sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Cách đây không lâu, vào cuối năm 2023, một số học sinh của Trường THCS-THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) mua kẹo ở gần cổng trường đem vào lớp để chia nhau ăn. Đến tối cùng ngày, những học sinh đã ăn kẹo (ở nội trú) có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tê môi. Ngay khi xảy ra sự việc, nhà trường đã thông tin tới cha mẹ học sinh để nắm bắt, theo dõi tình hình sức khỏe của các em.

Bánh kẹo không rõ nguồn gốc do cơ quan chức năng thu giữ tại các cửa hàng ở một số cổng trường trên địa bàn phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Bánh kẹo không rõ nguồn gốc do cơ quan chức năng thu giữ tại các cửa hàng ở một số cổng trường trên địa bàn phường Hải Yên, Tp. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Đến ngày hôm sau, những học sinh trên vẫn còn tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn nên được nhà trường đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi sức khỏe. Qua kiểm tra, rà soát ban đầu, có 29 học sinh (trong đó 27 học sinh lớp 6A, 2 học sinh lớp 8C), cùng ăn một loại kẹo chữ nước ngoài, không có tem phụ đề tiếng Việt, mua tại cửa hàng tạp hóa của một người tên S. bán ngoài đường, gần cổng trường.

Tại tỉnh Thái Nguyên, một số học sinh Trường THCS Nguyễn Du (phường Mỏ Chè, Tp. Sông Công), đã mua gói kẹo màu xanh, có chữ nước ngoài, bán ở khu vực cổng Trường Tiểu học Mỏ Chè, cổng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng và một cửa hàng gần Trường THCS Nguyễn Du. Sau khi ăn kẹo “lạ”, các em học sinh này đã có biểu hiện bị đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn...

Còn tại TP. Hà Nội, chiều ngày 29/11/2023, học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức, quận Nam Từ Liêm mua kẹo lạ gần trường chia nhau ăn sau đó có dấu hiệu bị ngộ độc. Có 11 học sinh được đưa đến Trạm Y tế phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm khám và theo dõi sức khỏe. Qua rà soát cho thấy, số học sinh này đã mua một loại kẹo không rõ nguồn gốc, vỏ bao có màu xanh, ghi chữ nước ngoài và chia cho nhau cùng ăn. Sau khi ăn kẹo chừng 45 phút, tất cả học sinh kể trên đều có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn.

Loại kẹo Trung Quốc mà các học sinh tại Vân Đồn sử dụng dẫn đến bị buồn nôn, chóng mặt phải nhập viện
Loại kẹo các học sinh tại Vân Đồn sử dụng dẫn đến bị buồn nôn, chóng mặt phải nhập viện

Trước tình trạng nhiều vụ học sinh nghi bị ngộ độc do ăn kẹo “lạ”, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đã xảy ra tại nhiều địa phương, dư luận cho rằng cần phát huy sức mạnh tổng hợp trên cơ sở sự vào cuộc các lực lượng với những giải pháp đồng bộ nhằm xử lý các hành vi vi phạm và bảo vệ sức khỏe của học sinh.


Thực tế, tại các cửa hàng tạp hóa, nhất là cửa hàng gần các trường học, không khó để bắt gặp hình ảnh các loại kẹo được thiết kế với đủ hình dáng, màu sắc bắt mắt, thu hút học sinh. Điểm chung của những loại sản phẩm này là thường có chữ nước ngoài, không có nguồn gốc rõ ràng, giá thành rẻ, được đóng gói nhỏ, riêng lẻ.

Theo một số chuyên gia, việc sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, được bán với giá rẻ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của các em học sinh. Nguy hiểm hơn nếu các loại thực phẩm này có chứa các chất gây nghiện, chất cần sa, ma túy…

Do vậy, dư luận cho rằng cần có sự vào cuộc các lực lượng với những giải pháp đồng bộ. Trước hết, các cấp chính quyền cơ sở cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý địa bàn; thường xuyên kiểm tra, thu giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực cổng trường học.

Song song với đó, cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của học sinh và con em mình. Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, nhắc nhở con em mình ăn uống tại gia đình trước khi đến lớp; không mua, sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, các loại kẹo “lạ”. 

Đối với các trường học, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, các thầy, cô giáo cần phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh ở cửa hàng tạp hóa, quầy bán hàng rong trước cổng trường để bảo vệ sức khỏe. Tăng cường công tác truyền thông học đường với các hình thức phong phú, sinh động nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trước các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường; kiên quyết “tẩy chay” các loại thực phẩm bẩn.

Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các hành vi cố tình buôn bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người tiêu dùng, nhất là học sinh.

Thiết nghĩ, bảo vệ học sinh trước thực phẩm không rõ nguồn gốc là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng với những giải pháp động bộ sẽ là cơ sở để ngăn ngừa, chặn đứng các loại kẹo “lạ”, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, qua đó bảo vệ sức khỏe của các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cả nước

Ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cả nước

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.